Làm gì để bắt kịp NARRATIVE trong Crypto?
28 mins read

Làm gì để bắt kịp NARRATIVE trong Crypto?

Sau một quá trình tiếp xúc liên tục với các kênh thông tin và follow một số lượng lớn các gigabrains trong lĩnh vực Crypto. Mình nhận thấy rằng cá nhân đã bỏ lỡ hoặc phớt lờ quá nhiều cơ hội bắt được trend gần đây khi nó mới đang trong giai đoạn hình thành để có một vị thế siêu đẹp.

Cảm giác bỏ lỡ cái mà “ô này mình biết lâu rồi mà” rất khó chịu, nếu không thể kiềm chế thì tâm lý rất dễ rơi vào trạng thái fomo mặc cho lúc này vị thế và rủi ro đều không còn hợp lý. Nói chung cay có cay nhưng thay vì nhảy ra nhảy vô, mình quyết tâm ngồi vạch lại để hệ thống xem có những mấu chốt gì cần nhạy bén để sau lần này bản thân có thể tận dụng cơ hội được một cách tốt nhất.

Nếu gắn bó với thị trường thì khả năng tiếp nhận nguồn tin của chúng ta là như nhau, tuy nhiên đa số chưa từng ngồi lại và sâu chuỗi các sự kiện, thông tin và những từ khoá lại với nhau. Như vậy não chúng ta cứ lấn cấn mãi một cái gì đó nhưng lại chẳng tập trung được vào bất kể một cái nào cả, lúc này thông tin tiếp nhận gần như bằng không, rất phí.

Để hạn chế tình trạng này mình có ngồi viết lại một vài tiêu chí trong cách bắt kịp các câu chuyện dẫn dắt thị trường mới. Hy vọng khi có các đầu mục tổng quan thì chúng ta sẽ tự sâu chuỗi lại và nhìn ra cơ hội cho bản thân một vị thế sớm hơn.

I. HIỂU CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA CRYPTO

Đúng vậy, mọi người không nghe nhầm đâu! Trước khi nhảy vào bơi trong hàng tá các thông tin cập nhật mới liên tục của thị trường Crypto, điều quan trọng nhất đó là chúng ta phải hiểu những điều cơ bản nhất của blockchain và Crypto.

Để hiểu các nguyên tắc cơ bản của tiền điện tử, điều quan trọng là phải hiểu công nghệ đằng sau nó, các loại tiền điện tử khác nhau và thị trường. Công nghệ đằng sau tiền điện tử dựa trên blockchain, đây là một sổ cái phi tập trung của các giao dịch luôn an toàn và bất biến.

Các loại tiền điện tử khác nhau sử dụng các thuật toán khác nhau, chẳng hạn như proof-of-work và proof-of-stake, để bảo mật mạng. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác đó là hiểu trạng thái của thị trường, bao gồm tình trạng hiện tại và các xu hướng tiềm năng.

Tiếp theo là các yếu tố quan trọng cấu thành thị trường Crypto như các sàn giao dịch (CEXs, DEXs), ví và phân loại ví và các dịch vụ khác có sẵn để tạo điều kiện cũng như nhu cầu thực hiện giao dịch, trao đổi. Thêm nữa, dựa trên tình hình phát triển của thị trường, chúng ta cũng phải hiểu các quy định và luật khác nhau có thể áp dụng cho tiền điện tử (phụ thuộc vào khu vực).

Khi chúng ta hiểu tất cả các khía cạnh này thì có thể nhanh chóng nắm bắt các khái niệm mới, dễ dàng hơn trong việc hiểu ý nghĩa và tác động của thông tin vào đối tượng trung tâm của thông tin đó.

Chắc chắn là người mới sẽ cần cái này nhất rồi, tuy nhiên bản thân mình vẫn đang đọc lại các bài viết trên coin98 để tổng hợp lại cũng như trau dồi các mảng kiến thức còn kém. Khuyến khích anh em thực hiện bước hiểu càng nhanh càng tốt, vì vài tuần rồi thị trường hồi phục mình cũng nhận thấy chúng ta đang bị chi phối theo giá khá nhiều.

II. THEO DẤU TREND

Chúng ta chưa từng chủ động tìm trend, chỉ khi trend đã phần nào thành hình rồi thì mới nhận ra. Thế nhưng trong quá trình tạo trend, nhà tạo lập thị trường luôn gài cắm các thông điệp xoay quanh một câu chuyện mới. Chúng ta có thể nhận thấy các dấu hiệu này thông qua việc theo dõi các đồng coin/token phổ biến và đọc sâu chuỗi các thông tin, tin tức từ thị trường kết hợp cùng các thông tin, cột mốc phát triển từ dự án.

Nguồn thông tin trong Crypto rất đa dạng nên nếu không biết tập trung vào nguồn nào chất lượng thì việc bị quá tải và lan man là không tránh khỏi. Để thu thập thông tin hiệu quả nhất thì anh em có thể theo dõi theo các phân loại sau:

  • Kênh tin tức tổng hợp thị trường: Twitter, Telegram (Defillama roundupThedailyape); Cryptopanic
  • Theo dõi các nguồn thông tin đáng tin cậy: Tài liệu dự án, chuyên gia, KOLs… thường chỉ cần dùng Twitter là đủ.
  • Công cụ đo lường thị trường: Lunarcrush (đo độ active của social, từ khoá); Defillama (theo dõi dòng tiền DeFi, stablecoins, dự án); Moneyprinter (theo dõi phí thu & chi để phát triển hệ/dự án)
  • Kênh research chuyên sâu: Blockworks Research, Messari, Bankless,…

Hãy note lại các dấu hiệu bạn nhận thấy, đừng phớt lờ bất kì một tín hiệu nhỏ nào. Việc làm này sẽ cho chúng ta hiểu hơn về tổng quan thị trường và lọc ra những từ khoá để phần nào nắm được hướng đi tiếp theo của thị trường là gì.

Có nhiều người cho rằng các big boy thường sẽ nhắc về các từ khoá mới để hình thành trend, điều này khá đúng trong giai đoạn gần đây. Chẳng hạn như chỉ dựa vào các report tổng hợp đầu năm của các tổ chức Crypto lớn thì hoàn toàn chúng ta có thể bắt theo trend “liquid staking” hay “AI”.

Một ví dụ đơn giản mà mình từng thực hiện sâu chuỗi các bullish catalyst trong một vài tháng trở lại đây như sau:

  • Arbitrum ecosystem – xuất hiện nhiều innovative protocols → Cạnh tranh trong hệ
  • L2s marathon – OP, ARB, zk, rollups,… → xu hướng cạnh tranh giữa các L2 vẫn liên tục tăng
  • NFTs season – NFT coins ( FLOW, APE…) → thông tin hâm nóng
  • AI narrative – AI coins → CT shill nhiệt tình

Tất cả đều là trùng hợp? Thực chất khi nhìn vào bức tranh tổng thể thì chúng ta thấy thị trường vẫn luôn phát triển. Trên đây chính là các dấu hiệu hình thành trend, nắm được các từ khoá có thể tạo trend và nhắm vào các đồng coin/token thuộc mảng đó từ chớm nở mang lại vị thế siêu đẹp.

Tuy nhiên với tâm lý cẩn trọng trong bear market nên đa số sẽ phớt lờ hoặc chờ có thêm nhiều xác nhận mới để củng cố niềm tin. Cho nên đa số đều bỏ lỡ cơ hội (bao gồm cả mình), tất nhiên muốn nhạy bén thì phải rèn luyện nhiều nữa, mình tin đây là bài học mà mình đang cố gắng cải thiện cho lần sau.

III. THAM GIA SÂU

Sau khi đã có một chuỗi các trend và narrative mới tiềm năng, hãy tham gia sâu hơn xoay quanh chúng. Thị trường Crypto thay đổi rất nhanh, một số các dấu hiệu có thể quay xe bất cứ lúc nào. Cho nên việc cần làm tiếp theo khi đã có vị thế là tiếp tục tìm thêm các xác nhận mới để cũng có niềm tin?. Nghe quen đúng không, phải rồi bước này nên đi sau khi chúng ta đã có vị thế với các coin/token thuộc trend có thể tạo ra câu chuyện dẫn dắt mới cho thị trường.

Nhạy bén là khi một trong những trend trong list quan sát của chúng ta bắt đầu lụi dần, các dấu hiệu xác nhận ngày càng mờ nhạt đi. Lúc này, việc cần làm là cân đối lại vị thế vào các trend vẫn còn xu hướng mạnh lên. Bởi vì có vị thế tốt nên khả năng bị thua lỗ là không nhiều, nó giống với việc trong trading chúng ta cần đặt điểm cắt lỗ thôi, khác biệt ở chỗ đòi hỏi chúng ta phải quan sát tỉ mỉ và quyết đoán.

Quan sát sâu hơn chính là liên tục chủ động tìm kiếm thông tin, dấu hiệu xác nhận xoay quanh narrative mới:

  • Chúng ta vẫn tiếp tục củng cố bằng các thông tin chung trên CT, chuyên gia & những người có ảnh hưởng, các cộng đồng crypto trong nước và quốc tế. Có một điểm thú vị là tất cả các trend gần đây mình quan sát được đều xuất hiện rất sớm trong cộng đồng CT Trung Quốc.
  • Đọc blogs & forum, các tài liệu từ dự án, theo dõi các sự kiện hoặc tham gia Twitter Space. Twitter Space là địa điểm mình nghe các speaker nói về LSD từ sớm nhất, vào khoảng tháng 8 năm ngoái trước khi sự kiện The Merge diễn ra. Nếu các bạn cần thực hành, hãy tìm Twitter của SSV Network và nghe lại series 8 tuần podcast của họ vào tầm tháng 8/2022, mình đã recap toàn bộ series đó và biết về từ khoá LSD từ đây. Nhưng vì tâm lý bear market cộng với sau The Merge đám coin thuộc nhóm này chưa bay nên mình đã lơ nó đi và kết quả là bị miss trend này rất đáng tiếc.

Thực hiện bước trên sẽ giúp chúng ta luôn nắm vững thông tin về những phát triển và theo kịp các xu hướng mới nhất. Và quan trọng là trend cần thời gian hình thành, nếu không theo dõi sát thì rất dễ bị miss trend.

IV. NETWORKING

Mục này mình cũng đã viết trong bài “hành trình crypto…” trước đó, về cơ bản networking ở đây là tạo lập mối quan hệ với những người có độ phủ sóng cao trong các hoạt động thuộc trend mà chúng ta đang theo dõi. Có thể là người của team dự án thuộc mảng đang hình thành trend, tích cực hỏi về ý kiến và tham khảo tầm nhìn của họ.

Có rất nhiều điểm nếu chỉ quan sát và tự đánh giá không thôi thì nó sẽ mang tính chủ quan rất lớn. Thế nên hãy tìm cả các đối tượng có ý kiến trái chiều và tham khảo lý do họ đưa ra để củng cố và suy sét lại góc nhìn chung. Tuy nhiên thì chỉ mang tâm thế tham khảo thôi bởi vì có rất nhiều thứ cực kỳ vô lý nhưng vẫn tạo thành trend được đấy, cùng nhìn lại lịch sử trend xem nhé!

V. NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Đừng quá khắt khe và đòi hỏi tính hợp lý logic của một trend hay narrative mới bởi sự thật là đa số các trend đều không hoàn toàn rõ ràng, thậm chí vô lý một cách ngu ngốc. Nhưng hãy lật lại các ý bên trên mình viết, tất cả đều là tìm dấu hiệu và củng cố dấu hiệu thông qua cộng đồng. Đúng thế, key ở đây là cộng đồng “muốn” trend đó xảy ra nên các nhà tạo lập thị trường mới xây dựng narrative xoay quanh trend đó để dần dần chi phối tâm lý người tham gia. Thế thì chúng ta phải bơi theo, nhưng ở một vị thế sớm hơn đa số như vậy là thành công.

Cùng nhìn lại một số trend trong quá khứ:

  • Doge coin: Đừng nói với mình là mọi người không fomo đấy. Có ai quan tâm logic tăng giá của Doge coin và sau này là hàng loạt các meme coins khác cùng trend này ra đời không? Cộng đồng chỉ trông chờ vào một điểm chung duy nhất đó là “Elon sẽ shill lại sớm thôi”.
  • AI: AI là trend xuất phát từ ChatGPT – một công ty công nghệ truyền thống, chẳng liên quan đếch gì đến blockchain. Thế nhưng ai đó đã tung ra các đoạn hội thoại con AI này nói về Crypto, lúc đó dấu hiệu hình thành trend đã nhen nhúm. Và kết quả thì chúng ta đều biết rồi đấy, trend này mình miss vì phớt lờ những tín hiệu kể trên.
  • LUNC: Sau khi Terra sụp đổ, Do Kwon tạo ra LUNC. Tháng 8/2022 Binance thông báo đốt LUNC, một nhà đầu tư bình thường đều biết rằng so với tổng cung lên đến ~ 7000 tỷ token thì việc Binance đốt nó chả ảnh hưởng một tẹo gì đến nguồn cung. Thế nhưng đấy lại chẳng vấn đề, giá vẫn tăng vọt. Nếu chuẩn thì MM đẩy giá trước làm tâm lý, mặc dù nghi ngờ nhưng đám đông tưởng như ngờ nghệch vẫn “đu theo cái đã”, nghe quen không? quay lại mục III, họ ape-in trước lấy vị thế rồi xác nhận song song khi trend chạy. Bởi thị trường đang đỏ nên “mua đỏ bán xanh” là câu thần chú cần ghi nhớ một lần nữa.

Nếu một tin tức ra giữa tâm điểm chú ý có thể thu hút và tác động đến trí tưởng tượng của đa số (xnxx thôi), cho dù người tham gia IQ thấp có thấp cỡ nào thì chúng ta cũng đừng vội lờ đi vì rất có thể chúng ta sẽ phải fomo ở mức giá cao hơn cả đám “IQ thấp” kia đấy. Thực tế đã rất nhiều ví dụ chứng minh, trend được tạo nên từ cộng đồng và những niềm tin nghe có vẻ ngớ ngẩn hết sức.

Cho nên bên cạnh việc đánh vào các trend cứng (long-term) của thị trường như ETH, Layer2s, NFT. Hãy quan sát các câu chuyện dẫn dắt trong ngắn hạn, sẽ luôn luôn có những câu chuyện ngớ ngẩn là cơ hội kiếm tiền cho anh em. Đặc biệt là đừng lờ đi mấy ông thích đi ngược đám đông!!

VI. LÀM GÌ KHI ĐÃ MISS TREND

Đợt tăng giá vừa rồi chắc chắn rất nhiều anh em lỡ sóng trend nên mang tâm lý tiếc nuối, khó chịu. Điều này dẫn tới tâm lý fomo, sợ mất cơ hội vì nó tăng mãi chẳng ngừng. Vậy nếu đã lỡ trend rồi thì cần phải làm gì để kiềm chế tâm lý fomo? Phải nói rằng mình đã rất muốn fomo nhưng nhiều lần ăn đòn hơn là ăn ngon rồi nên mình đã thành công kiềm chế, đây là cách mình thực hiện:

a) Chấp nhận lỡ sóng tăng

Thừa nhận đã bỏ lỡ giá đẹp làm giảm tâm lý fomo khiến chúng ta muốn nhảy lên tàu lúc nó đang phóng. Đừng cố đuổi theo mấy cây nến xanh, khi chúng ta nhìn chart giá chính là lúc chúng ta bị thao túng vào tâm lý fomo. Mua vị thế thấp bán vị thế cao chứ đừng trả giá cao ở khung thời gian nhỏ. Trend tăng mãi cũng phải có điểm hồi, lúc đó vào lại chưa muộn. Vì khả năng không chịu được mà đu nến xanh thì lúc nến đỏ anh em cũng không chịu được mà bán nó thôi.

b) Tìm điểm kích hoạt sóng tăng

Một cây nến xanh dài phải có sự tích luỹ, kích hoạt bởi một lý do nào đó. Thay vì mua fomo, chúng ta theo trend bằng cách tìm điểm tạo trend, hiểu lý do trend chạy sẽ giúp chúng ta cân đối được cảm xúc fomo.

c) Chờ giá chỉnh hồi

Khi trend chạy sẽ có sóng tăng đầu và một điểm hồi để đẩy sóng mới. Kiên nhẫn chờ vị thế hồi và tìm điểm giá mới. Đừng nhìn chart sóng tăng đầu mà trả giá thấp quá, mình đã lỡ thêm nhiều con x2 chỉ vì trả giá quá thấp mà trong một xu hướng tăng giá khó có thể về lại. Thực chất nếu có thêm kỹ năng phân tích kỹ thuật tốt thì anh em sẽ tìm được điểm vào tốt hơn.

d) Kiên nhẫn

Sai lầm lớn nhất là thiếu kiên nhẫn, lời không chốt nhưng giảm thì lại chốt vội. Nhất định phải chờ tới điểm target sóng, lời nhất định phải chốt. Bởi vì khi bắt trend mình tin nhiều anh em thường nghe call kèo là chính, không hiểu bản chất token/coin mới mua. Thế nên việc kiên nhẫn có lời và sau đó quyết đoán chốt lời là rất quan trọng.

Đừng vào nhiều con quá, đừng đứng núi nọ trông núi kia. Nếu là hàng thuộc trend thì hãy kiên nhẫn giá sẽ tăng thôi. Ai cũng call kèo được, nhưng chúng ta phải là người chọn hàng và khi đã chọn thì trách nhiệm của chúng ta là kiên nhẫn và chốt lời. Bỏ tâm lý chờ đợi người khác cho giá chốt lời đi. Thị trường tăng theo trend nhưng gãy lúc nào thì không ai biết, dự đoán chỉ nên tham khảo, nhớ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *