Kỹ năng research phần 3: Tools hỗ trợ
42 mins read

Kỹ năng research phần 3: Tools hỗ trợ

Hello anh em, hôm nay mình sẽ tiếp tục với series hướng dẫn rèn luyện kỹ năng research Crypto. Trong phần 3 này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bộ công cụ bổ trợ (tools) để tiến hành tìm kiếm insights cũng như xác nhận thông tin đảm bảo cho quá trình research hiệu quả nhất.

Trong phần 2, mình đã viết rất chi tiết về kỹ năng phân tích cơ bản và phân bổ thành từng đầu mục nhỏ để anh em dễ follow và rèn luyện theo. Thông thường mọi người sẽ chỉ tìm đọc được các bài viết tổng hợp tools được phân loại cơ bản, nhưng chưa có cái nhìn tổng quan về khâu thực hành sử dụng và bản chất của chúng.

Bài viết hôm nay mình sẽ tập trung vào giải thích và hướng dẫn cách sử dụng dựa vào các trường hợp cụ thể theo khung bài viết phần 2 để anh em dễ dàng theo dõi. Mình hy vọng tất cả anh em cũng đã đọc và tìm hiểu về các mục thông tin mình cung cấp trong phần trước để dễ làm quen với cấu trúc bài viết này.

** Lưu ý: Bộ tools mình cung cấp đều là dùng free 100%, có thể có những hạn chế so với các tools trả phí mạnh phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên mỗi tools mình dùng đều có chức năng phục vụ cho một đầu mục research nên chúng ta dùng đủ bộ là cũng rất đầy đủ rồi.*

I. LỢI ÍCH CỦA TOOLS BỔ TRỢ

Như anh em đã biết, quá trình research sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian của anh em, đặc biệt là những người mới. Nếu không có kinh nghiệm thì tính hiệu quả cũng sẽ không cao từ đó ảnh hưởng đến chất lượng chọn coin/token đầu tư/đầu cơ của chúng ta. Vậy thì khi sử dụng tools bổ trợ, những vấn đề kể trên sẽ được giải quyết phần lớn:

  • Tiết kiệm thời gian research và xác nhận thông tin
  • Tính chính xác của dữ liệu cao từ đó nâng cao hiệu quả research
  • Khả năng cover dữ liệu sâu và rộng hơn mang lại góc nhìn đa chiều
  • Rèn luyện kỹ năng đọc thông tin, chiết xuất insights

Tất nhiên khi biết dùng tools đúng cách thì anh em sẽ có ưu thế lớn so với phần đông còn lại. Nhưng làm thế nào để hiểu và sử dụng tools chuẩn cơm mẹ nấu thì đa phần chúng ta không biết và cũng chẳng mấy ông chia sẻ sâu về chủ đề này. Vậy nên anh em cần phải tư duy rằng chúng ta cần rèn luyện, phải học cách dùng chứ không phải bụp cái vứt cho ông cái Nansen (Nansen là gì thì tự tìm hiểu thêm nhé anh em) thì ông biết dùng và biết tận dụng ngay được.

Cho nên điều tiên quyết là khi anh em đã được học về nó thì anh em phải thực hành dùng nó luôn:

  • Thứ nhất là làm quen với thói quen dùng tools để giảm thiểu thời gian đọc thông tin chùa sẵn có. Lâu rồi anh em sẽ bớt phụ thuộc vào các thông tin này và biết đọc có chọn lọc.
  • Thứ hai là tự đưa ra các insights dựa trên cơ sở thông tin dữ liệu và trình bày nó ra để kiểm chứng. Chúng ta sẽ tự thấy cái hay cái dở của mình và rèn luyện lên trình.
  • Hãy đối chiếu insights, mình thường follow đọc bài trên twitter, coin98 và nghe podcast DeFi Discussion của Coin68 để có thêm nhiều góc nhìn insights từ các bên chuyên. Tận dụng họ để rèn luyện bản thân.

Như vậy là anh em hiểu tại sao cần dùng tools bổ trợ rồi đúng không? Chúng ta sẽ tiếp tục vào chủ đề chính của bài viết luôn nhé.

II. TOOLS PHÂN TÍCH TIÊU CHÍ TỔNG QUAN

1. Website

Ở phần website ngoài soi UI/UX xem có thân thiện và trình bày chuyên nghiệp không thì anh em hãy soi luôn domain của họ có độc hại hay có dấu hiệu bất thường nào không. Tools mình sử dụng ở đây đó là:

1.1) VirusTotal.com

Là tools phân tích các tệp (file) đáng ngờ, tên miền (domain), IP và URL để phát hiện phần mềm (malware) độc hại và các vi phạm khác về tiêu chuẩn bảo mật. Các tiêu chí được phân loại rất chi tiết và đầy đủ, tuy nhiên anh em có thể cần tìm hiểu kỹ hơn về từng mục để hiểu sâu nhé.

Về cơ bản thì mình chỉ chọn website nào mà có 0/xx tiêu chí bị đánh dấu báo động. Nếu có dù chỉ 1 tiêu chí bị gắn cờ báo động thôi thì anh em cũng cần thận trọng nhé. Bởi vì rất có thể có malware xấu tích hợp sẵn sẽ ăn cắp dữ liệu hoặc ghi lại lịch sử nhập bàn phím của anh em, trường hợp xấu họ sẽ lấy được mật khẩu ví dẫn đến mất mát tài sản khi anh em kết nối với trang web của dự án.

Ví dụ phân tích domain của dự án Layer3 (anh em xem hình 2 cho tổng quan). Domain website của Layer3 có 0/90 tiêu chí bị gắn cờ báo động —> Đủ tiêu chuẩn về bảo mật.

1.2) Hypestat.com

HypeStat là trang ****thống kê và phân tích miễn phí, anh em có thể tìm thấy thông tin về mọi trang web. Thường hypestat được dùng để định giá domain web cho doanh nghiệp, tuy nhiên kênh này có tổng hợp thông tin khá chi tiết về lượng người dùng truy cập (traffic) và phân bổ theo khu vực trong một khoảng thời gian nhất định. Anh em có thể dựa vào thông tin này để soi xem độ phổ biến của dự án đó cũng như đối tượng người dùng tập trung ở khu vực nào. Dựa vào thông tin đó có thể rút ra vài insights thú vị.

Ví dụ trong hình mình soi domain của DEX Mojito thì thấy rằng traffic truy cập chủ yếu đến từ Việt Nam với tỉ lệ lên đến 53.5% —> Suy ra insights ở đây là gì thì anh em tự rút ra nhé.

2. Team & Partners & Investors

Đối với thông tin về đội ngũ phát triển dự án cùng với các bên đối tác đầu tư và VCs thì anh em cần xác nhận lại thông tin được cung cấp từ phía dự án có chính xác hay không. Với một vài cộng cụ bên dưới là anh em có thể dễ dàng cập nhật cũng như xác minh tính chính xác của dữ liệu đối chiếu với thông báo từ phía dự án.

2.1) Crunchbase.com

Kênh này thì cực kỳ phổ biến từ truyền thống cho đến Crypto gần như là ai cũng biết đến. Crunchbase cung cấp gần như đầy đủ các thông tin mà anh em cần trong phần phân tích tổng quan của bản research. Tuy thế thì Crunchbase vẫn có hạn chế, chẳng hạn như các dự án mới hoặc các dự án có quy mô nhỏ thường sẽ không có thông tin.

Anh em có thể dùng crunchbase xác nhận các thông tin về:

  • Thành viên team thông qua twitter, linkedin… có thể tìm trong tab “people” mục contact sẽ hiển thị đầy đủ (nếu có).
  • Các đợt gọi vốn cụ thể về thời gian và số tiền gọi được cho từng đợt, VCs nào tham gia từng vòng và các kênh tin tức liên quan trong tab “financials”.
  • Còn một số tab như “technology” hay “signal & news” anh em có thể khám phá thêm trong quá trình sử dụng.

Ví dụ mình đang kiểm chứng thông tin gọi vốn và các investors của dự án Pontem Network đang hot gần đây được nhiều anh em săn đón làm retroactive. Pontem gọi vốn vòng 1 được tổng $4.5 triệu đô với tổng cộng 18 nhà đầu tư, kéo xuống dưới anh em có thể kiểm tra chi tiết thông tin hơn.

2.2) Cypherhunter.com

Tools này cũng khá phổ biến, mình có đọc một số bài viết gần đây trong group cũng đã có tác giả đề cập đến. Về bản chất, Cypher Hunter thường được mình sử dụng để soi tìm các dự án tương tự giống với một dự án đang đi đầu trend trong một ngách nào đó như DeFi, Layer1, Bridge, SocialFi, v.v chẳng hạn. Bởi vì cyperhunter có một danh mục đề xuất các dự án liên quan ngay cạnh dự án mà chúng ta đang truy cập.

Tuy nhiên bên cạnh đó thì cypherhunter cũng là kênh cung cấp thông tin về team (twitter) và các VCs khá đầy đủ. Mình dùng tính năng này để bổ trợ cho crunchbase nếu như dự án chưa có thông tin về đội ngũ phát triển trên kênh này.

Ví dụ mình tìm kiếm Aptos và các dự án liên quan trong hệ. Cypher Hunter sẽ tự động lọc theo từ khoá các dự án thuộc hệ Aptos cho chúng ta một cách khá trực quan, bây giờ thì chỉ cần chọn dự án cần research nữa thôi.

III. TOOLS PHÂN TÍCH TIÊU CHÍ VỀ TÍNH AN TOÀN

Trong chương này ở bài viết phần 2, mình đã đề cập rất nhiều đến smart contract và thanh khoản. Những thông tin này thường đòi hỏi anh em phải biết cơ bản về các chỉ số on-chain, từ đó khi sử dụng tools bổ trợ thì anh em cũng sẽ biết đọc các chỉ số cần thiết để kết luận insights. Không cần đi quá sâu, nhưng nếu còn chưa biết thì anh em hãy tìm đọc các bài viết hướng dẫn on-chain trước để làm quen, mình recommend đọc các bài hướng dẫn trên kênh The DataFi Vietnam (telegram/Facebook) nhé!

1. Kiểm tra Smart Contract (Kiểm toán smart contract và chức năng)

Đối với anh em người mới chưa có thói quen check thông tin thì ngay khi đọc thông tin cung cấp từ dự án A rằng smart contract của họ đã được audit bởi Certik chẳng hạn. Thế là chúng ta tin ngay và bỏ qua bước fact check, mình có lời khuyên rằng đối với mỗi thông tin anh em đọc được trên các kênh truyền thông từ dự án thì chúng ta cần có thêm một bước back check nữa sử dụng các tools dưới đây cho nó chắc ăn.

1.1) Cointool.app

Có thể nói cointool là bộ siêu công cụ free mà mình rất ưng, cointool có quá nhiều tools và tính năng được tích hợp rất hay, sử dụng cho cả token và NFT. Có thể một buổi khác mình sẽ viết riêng về cointool cho anh em tìm hiểu thêm. Trong bài viết ngày hôm nay, mình chỉ giới thiệu tính năng soi smart contract thôi. Quy trình thực hiện khá đơn giản như sau:

  • Tiến hành copy địa chỉ token address trên kênh tổng hợp như coingecko, coinmarketcap hoặc dropstab. (chưa biết kiếm như thế nào thì tìm bài viết trên coin98 là có ngay nhé anh em)
  • Truy cập cointool .app, bên thanh công cụ phía tay trái chúng ta click chọn mục “Audit Contract” (mục thứ 5 từ trên xuống).
  • Từ giao diện website, anh em paste địa chỉ token addess vào ô tìm kiếm và tích chọn chain phù hợp rồi click vào logo tìm kiếm.
  • Một bảng phân tích sẽ hiển thị bao gồm các thông tin cơ bản về token, phân tích rủi ro chi tiết, pool size, LP holders và Token holders… cùng với một tab phân tích mã code của smart contract cho anh em soi tính năng nằm ngay bên phải.

Sử dụng tính năng này của cointool cũng giống với virustotal, chỉ cần có redflag là tool sẽ cảnh báo cho anh em biết. Bước back check này cũng không tiêu tốn của anh em nhiều thời gian trong khi mang lại hiệu quả cao hơn nhiều là chỉ mò chay.

Một ví dụ mình phân tích token quản trị “SSS” của game Starshark.

Đối với cointool thì anh em có thể vọc vạch thêm các tính năng khác xem thế nào, chẳng hạn như tự tạo một token mới hoặc tự tạo token presales cho mình chẳng hạn, thông qua các bước tạo token như vậy thì anh em cố gắng học thêm thuật nhữ về smart contract và tạo cơ hội để tìm hiểu sâu hơn.

1.2) Tokensniffer.com

Cũng giống tính năng của cointool bên trên, anh em chỉ cần sao chép và dán địa token address vào thanh tìm kiếm và TokenSniffer sẽ cung cấp thông tin về các dấu hiệu bất thường của smart contract theo từng tiêu chí nhỏ, v.v. Thang điểm tính trên các tiêu chí tối đa là 100 điểm, mức điểm càng cao tiệm cận với 100 thì token đó càng uy tín. Về mặt lý thuyết thì là vậy, tuy nhiên anh em cũng lưu ý rằng khi mình dùng thì tỉ lệ chính xác của tokensniffer không quá cao đâu. Đối với một số đồng token mới thì thông tin trên tokensniffer thường thiếu và không hiệu quả.

Vậy thì tại sao mình lại giới thiệu tokensniffer ở bài này? Bởi vì nó có tính năng “on-chain bubblemap”, đại loại là nó sẽ hiển thị 100 ví giữ token hàng đầu của người dùng thực (không bao gồm smart contract) dưới dạng các chấm nhỏ (bubble). Học cách quan sát bubblemap sẽ cho anh em nhiều insights hay để phát hiện các dấu hiệu bất thường từ phía dự án như: giao dịch bất thường, ví cá nhân nắm giữ quá nhiều tỉ trọng phân bổ token trong tổng cung, mối liên hệ bất thường giữa các ví với nhau, v.v. Mặc dù có hạn chế về số lượng các dự án có thể hiển thị được bubblemap, nhưng mình thấy có khá nhiều dự án mình cần thì tokensniffer vẫn hỗ trợ tương đối tốt. Lưu ý rằng các tools như tokensniffer hiện chỉ hỗ trợ tốt nhất trên 2 hệ đó là Ethereum và BNB Chain.

Thế thì cách đọc bubblemap như thế nào cho chuẩn insights? Mình sẽ hướng dẫn chi tiết ở ngay dưới đây:

Chú thích bubblemap (ví dụ bubble map của token $POND) :

  • Các chấm tròn thể hiện ví người dùng, các đường kẻ nối các chấm tròn biểu thị các giao dịch giữa các ví với nhau.
  • Các chấm màu xanh dương là ví bình thường (cũng có khả năng ví dự án nguỵ trang thành ví thường với một mục đích nào đó ‘:V)
  • Chấm màu cam là ví của chủ sở hữu dự án, các chấm màu đỏ là địa chỉ ví chết (dead wallet hay còn gọi là burn wallet) dùng để đốt token.
  • Cách tương tác với bubblemap khá là đơn giản, chỉ cần di chuột tới các chấm ví để xem thông tin địa chỉ ví và tỉ lệ % token phân bổ. Khi click vào các chấm ví này, chúng ta sẽ được điều hướng sang kênh blockscan (tuỳ hệ như etherscan của Ethereum, bscscan của BNB Chain, v.v.) với thông tin ví chi tiết.

Vậy cùng phân tích 2 trường hợp đối nghịch nhau: Một là trường hợp token an toàn để đầu tư; Trường hợp còn lại là token với các biểu hiện bất thường không đủ điều kiện đầu tư.

+) TH.1: Token an toàn

Mình lấy ngay ví dụ về đồng $POND ở hình 7 nhé anh em.

  • Chấm cam như đã biết là ví của chủ sở hữu dự án, phân bổ <1% số lượng token và kích thước chấm tương ứng với đa số các ví cá nhân bình thường khác —> Thông thường nhất, hầu hết các chấm màu xanh (và chấm màu cam) phải có kích thước tương tự để tránh trường hợp rug pull nếu ví của chủ sở hữu dự án có lượng token phân bổ lớn bất thường —> Không có dấu hiệu bất thường ở ví chủ sở hữu của $POND.
  • Chúng ta thấy rằng bubblemap hiển thị 4 chấm xanh dương có rất nhiều đường kẻ nối với các ví xanh bao quanh thể hiện các giao dịch. Thông thường các ví nằm ở trung tâm có nhiều giao dịch với ví cá nhân bao quanh là ví của sàn giao dịch. Ví dụ click vào chấm ví có địa chỉ đầu là 0x28C6, chúng ta được chuyển hướng sang bscscan với thông tin ví hiển thị chi tiết của ví này —> phát hiện Tag name của ví là “Binance” —> Đây là địa chỉ ví thuộc sàn Binance; các chấm ví xanh dương thường bao quanh cùng các đường kẻ nối với 0x28C6 biểu hiện những ví này giao dịch với sàn Binance —> Không có dấu hiệu bất thường.
  • Vậy còn 3 chấm ví xanh dương không có giao dịch nào với các ví khác trong bubblemap, nhưng có kích cỡ lớn bất thường lần lượt là: 0x5a52 với phân bổ 4.9%, 0xf3d2 với phân bổ 7.9% và 0xf977 với phân bổ 9.9% thì như thế nào? Khi check ví 0xf977 trên bscscan ta nhận thấy ngay tag name là một ví khác của sàn Binance; Ví 0xf3d2 đã nằm im trong 534 ngày kể từ thời điểm viết bài —> đây có thể là một ví của team để giữ token thanh khoản hoặc một ví của VC nào đó đầu tư dài hạn vào Marlin từ giai đoạn gây quỹ ($POND không có một bản tokenomics rõ ràng nên mình không check chéo thông tin được vì thế đây chỉ là phỏng đoán); Trong khi đó ví 0x5a52 lưu trữ rất nhiều các đồng coin đa dạng với tổng giá trị lên tới ~ 2 tỷ đô, trong đó điển hình có tới ~1 tỷ đô là đồng $BUSD, cùng với các giao dịch (transactions) chuyển tài sản một chiều ra, chủ yếu tới các địa chỉ smart contract —> Khả năng cao đây là một ví khác nữa của sàn Binance —> Không có dấu hiệu bất thường ở các ví này.
  • Trong một số trường hợp, một số dự án sẽ chọn sử dụng ví thường thay vì ví multi-sig hay smart contract dùng để phân bổ cho treasury, presales, v.v. Và do đó, những ví đó sẽ xuất hiện trong biểu đồ bubblemap với kích thước lớn bất thường như 3 chấm ví mình phân tích bên trên. Anh em hãy đối chiếu chéo thông tin giữa phân bổ tokenomics với các chấm xanh đó xem có khớp tỉ trọng % phân bổ không để rút ra khẳng định. Ví dụ trong tokenomics phân bổ cho treasury là 6% —> khi đối chiếu với chấm xanh, nếu khớp tỉ lệ là ~6 % —> chấm xanh này là ví phân bổ treasury của dự án —> không bất thường.

Từ tất cả các dữ liệu trên chúng ta thấy được $POND không có dấu hiệu bất thường nào trong phân bổ token thể hiện trên bubblemap của nó, cho nên đây là một dự án an toàn để đầu tư.

+) TH.2: Token có dấu hiệu bất thường

Mình lấy đồng Token $ANM (Animverse) để phân tích trong ví dụ này.

  • Anh em thấy điều gì bất thường rồi chứ? Chấm cam thể hiện ví của chủ sở hữu dự án (ví của team) có kích thước lớn bất thường, chiếm tỉ trọng phân bổ lên đến 87.8%. Tức là team dự án nắm hầu như toàn bộ số lượng token trên tổng cung và họ thích xả lên đầu nhà đầu tư lúc nào cũng được —> Mức độ rủi ro nằm trong vùng cảnh báo đỏ —> Khả năng dự án scam lên đến 99.9% (và thực tế chính là như vậy đấy!)
  • Hãy cùng đối chiếu chéo với tokenomics được team public trong whitepaper, thông báo team chỉ giữ 16.4% phân bổ —> lệch xa so với phân bổ thể hiện trên bubblemap. Mình có thử cộng lại phân bổ của team + advisors + ecosystem + play2earn + staking + liquid = 88.4%? Con số này xấp xỉ 87.8% —> Tức là team dùng một ví để nắm toàn bộ token của các đối tượng phân bổ? Lời giải thích này không có một chút hợp lý nào, thậm chí theo mình nếu team mà thực sự lấy lý do này ra để biện hộ thì quả thật quá lươn lẹo luôn!

Tóm lại, anh em chỉ cần lưu ý nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì hãy cẩn trọng bởi vì tỉ lệ dự án đó scam là rất cao.

Vậy là mình đã hướng dẫn anh em khá chi tiết về cách sử dụng tokensniffer với tính năng bubblemap để check smart contract của dự án. Ngoài bubblemap của tokensniffer thì anh em có thể dùng thêm tool Bubblemaps .io để bổ trợ. Lưu ý rằng Bubblemaps .io đang bị hạn chế khá nhiều so với tokensniffer về mặt số lượng dự án hỗ trợ, đồng thời để mở khóa hết tính năng của Bubblemaps .io thì anh em cần một mức phí khá cao ~750$. Mình có đọc một bài viết hướng dẫn sử bubblemap của tem The DataFi Vietnam khá hay, anh em có thể tìm đọc thêm.

1.3) Dashboard.tenderly.co

Tenderly thường được mình dùng để check các dòng code của smart contract, khi check code anh em hãy xem lại các từ khóa bằng tiếng anh mình có đề cập trong bài viết phần 2 nhé.

Cách sử dụng khá đơn giản, anh em cũng thực hiện copy smart contract trên coingecko rồi dán vào thanh tìm kiếm trên trang chủ của Tendermint, sau đó chọn vào mục “source code” và bắt đầu quá trình ngồi soi code (soi đau mắt lắm nhé anh em chịu khó!) giống như minh họa trong hình 9 dưới đây nhé.

Tất nhiên soi code thì cũng có thể dùng luôn blockscan được, tuy nhiên Tendermint tổng hợp tất cả các chain giúp anh em khỏi phải quan tâm xem phải dùng blockscan của hệ nào (bscscan, etherscan, polygonscan hay solana scan…).

Ví dụ mình soi code của token $SHIB.

** Tips: Anh em có thể dùng ctrl+f trên PC để tìm các từ khóa tiếng anh mình cung cấp ở bài phần 2. Nếu như trong code có càng ít các từ khóa có lợi cho team xuất hiện thì càng tín nhé.*

2. Kiểm tra thanh khoản & Các giao dịch

Trong bài viết phần 2 mình đã nhắc đến tiêu chí thanh khoản & các giao dịch bất thường của dự án, vậy thì hôm nay mình giới thiệu thêm với anh em một số tools mình sử dụng để kiểm tra thanh khoản & theo dõi các giao dịch của một đồng token:

2.1) Dex.guru

Với Dex Guru chúng ta có thể tận dụng được rất nhiều thứ, mình thường xuyên sử dụng Dex Guru để kiểm tra thanh khoản; theo dõi các giao dịch thời gian thực; theo dấu cá voi/cá mập để tìm alpha; xem top holders, v.v. Giao diện UI/UX của Dex Guru rất thân thiện và phân loại thông tin khoa học. Thêm nữa anh em có thể swap token trên sàn này được nhé, bởi họ chưa có token và biết đâu đó một ngày đẹp trời họ ra token và phát airdrop cho người dùng sớm thì anh em cũng có thêm một cơ hội cho mình.

Mình lấy ví dụ đồng $PEOPLE để kiểm tra thanh khoản với Dex Guru.

Được rồi thế thì phải dùng Dex Guru như thế nào để check thanh khoản của $PEOPLE? Anh em follow các bước sau:

  • Copy địa chỉ contract của token $PEOPLE trên coingecko (hoặc coinmarketcap/dropstab) rồi sau đó dán lên thanh tìm kiếm trong giao diện của Dex Guru. Bước copy này để đảm bảo anh em chọn chính xác token đã được xác minh, tránh nhầm lẫn.
  • Một bảng thông tin về token $PEOPLE xuất hiện. Bên tay trái là biểu đồ thanh khoản của $PEOPLE cùng với hoạt động của pool giao dịch; bên tay phải là thông tin về volume giao dịch cùng với một bảng phân loại các địa chỉ ví cá mập/cá voi/bot và các giao dịch của họ (có thể hiện bằng logo)
  • Công việc của chúng ta ở đây khá đơn giản, chỉ nhìn qua thì anh em sẽ thấy thanh tổng thanh khoản và volume giao dịch của $PEOPLE là rất khiêm tốn rồi đúng không. Nếu so với các đồng token meme coin khác như $SHIB (tổng thanh khoản ~13 tỷ đô/ volume giao dịch ~ 3 triệu đô) thì $PEOPLE thật sự quá bé —> không thể mua với volume lớn sẽ gây ra biến động mạnh về giá và khả năng trượt giá rất cao.
  • Ngoài ra thì anh em thấy ở mỗi biểu đồ đều có icon “phóng to” chứ. Hãy dùng chức năng đó để soi sâu hơn về từng chỉ số. Thường mình sẽ soi giao dịch của các ví xem có gì bất thường như ở đây không, Dex Guru có một bộ lọc nên anh em có thể dễ dàng chọn follow theo phân loại ví (cá mập/cá voi/bot…) hoặc lọc theo volume lệnh giao dịch, v.v.

Bài viết này mình chỉ hướng dẫn anh em soi thanh khoản & xem giao dịch bằng Dex Guru thôi nên sẽ không đi sâu vào từng tính năng. Anh em có thể tự vọc vạch thêm, hoặc hẹn một bài nào đó mình sẽ hướng dẫn sâu hơn về các tính năng khác.

2.2) Dexscreener.com

Đã có rất nhiều tác giả giới thiệu về Dex Screener trong group rồi, mình hy vọng là anh em cũng đã đọc qua. Về cơ bản thì cách dùng Dex Screener để check thanh khoản cũng gần tương tự với Dex Guru, anh em có thể chọn một trong 2 để dùng.

Mình thì thường xuyên sử dụng Dex Screener để soi chart của nhiều đồng token cùng một lúc, mức độ cập nhật giá của Dex Screener rất nhanh và chính xác với độ trễ thấp.

Ví dụ mình đang sử dụng Dex Screener để soi đa chart của các token/coin: BTC/ETH; ETH/USDC; CHZ/USDT; UNI/ETH.

Oke, trong bài viết phần 3 này mình đã tổng hợp cũng như hướng dẫn anh em cách sử dụng một số tools mình hay dùng gắn liền với các đầu mục research theo khung bài viết phần 2. Tất nhiên là còn rất nhiều tools khác hay nữa mà mình chưa thể tổng hợp hết vào bài viết này. Mình có sưu tập được một kênh tổng hợp các tools hay miễn phí rất dễ quản lý, anh em đón xem nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *