Kỹ năng research phần 2: FUNDAMENTAL ANALYSIS – PHÂN TÍCH CƠ BẢN
47 mins read

Kỹ năng research phần 2: FUNDAMENTAL ANALYSIS – PHÂN TÍCH CƠ BẢN

Mình sẽ giữ chủ đề dùng tools bổ trợ research trong một bài viết khác bởi vì nó khá dài và cần giải thích cách sử dụng. Cảm ơn mọi người đã đọc bài tới tận đây, mình biết bài này dài vãi lúa mình ngồi viết còn phải chia buổi ra nhưng mà đọc thì nhanh thôi, anh em đừng ngại đọc nhé!

Trong phần 1 của series hướng dẫn rèn luyện kỹ năng research crypto, mình đã liệt kê các mục kiến thức và phân loại các kỹ năng trong research giúp anh em mới bắt đầu có một cái nhìn tổng quan nhất về kỹ năng này. Mình hy vọng là anh em thấy hữu ích và đã bắt đầu tìm hiểu kiến thức trong bài viết trước, nếu như còn chưa đọc thì link ở đây

Anh em thường nghe mọi người nói rằng “đây không phải lời khuyên đầu tư, hãy DYOR” (Do your own research hay dịch sang Tiếng Việt là hãy tự mình nghiên cứu đi!) nhưng anh em không thực sự biết bắt đầu từ đâu hoặc research như thế nào? Và những KOLs call kèo cũng chẳng mấy ai dạy anh em cái mánh research bí mật của họ cả, đúng không?

Vậy thì trong phần 2 này mình sẽ đi sâu hướng dẫn anh em về kỹ năng phân tích cơ bản (fundamental analysis), một trong những kỹ năng mình nhắc tới trong bài viết phần 1 mà mình cho rằng là dễ tiếp cận và rèn luyện nhất đối với đa số chúng ta.

** Lưu ý rằng tùy vào giai đoạn phát triển của dự án mà một số các tiêu chí sẽ chưa thể áp dụng được ngay. Ví dụ như dự án mới ở giai đoạn gọi vốn và chưa có token thì các tiêu chí đánh giá liên quan đến smart contract sẽ chưa thể áp dụng, do đó anh em cần theo dõi dự án và hoàn thiện dần để tăng độ chính xác hơn của bản research.*

I. PHÂN TÍCH CƠ BẢN LÀ GÌ?

Ôn lại kiến thức một chút nhé, ở phần trước mình có định nghĩa phân tích cơ bản như sau:

  • FA (Fundamental Analysis) – Phân tích cơ bản: Phân tích dựa trên các nguyên tắc cơ bản của một dự án như trường hợp sử dụng, áp dụng & quá trình tăng trưởng, doanh thu, tokenomics, cung và cầu, đội ngũ phát triển, đối tác, cộng đồng, nhà đầu tư, v.v.

Mình nhận ra rằng hầu hết chúng ta đều làm sai khi mới bắt đầu thực hiện phân tích cơ bản về một dự án crypto đó là chúng ta thường đánh giá cao các dự án dựa theo công nghệ đằng sau mà họ sử dụng. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng tư duy của chúng ta ở đây sai bởi vì điều quan trọng nhất trong crypto đó là tiềm năng tăng giá và “narrative” – tức là câu chuyện dẫn dắt thị trường. Vậy thì khi thực hiện research một dự án chính là hành trình chúng ta tìm ra “narrative” của dự án đó có khả năng tạo trend và thu hút dòng tiền hay không? Và nó có tiềm năng mang lại lợi nhuận hay không?

Vậy thì câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có ai muốn mua token của dự án này trong tương lai hay không? Bởi vì nếu nó không thể tạo ra một câu chuyện rằng nó sẽ là dự án x5, x10, x100 lần tiếp theo, thì token (không phải dự án nhé) chúng ta đang hold chỉ là một đống rác mà không ai muốn mua lại cả. Thế thì khi thực hiện research một dự án, anh em hãy tập trung vào khả năng sinh lời của dự án đó như một kim chỉ nam.

Lấy một ví dụ dự án Internet Computer ($ICP) thuộc top các dự án được đánh giá rất cao về công nghệ nhưng khi chỉ vừa mới listing mà vốn hóa của nó đã lên đến ~40 tỷ đô ngang với các dự án top 5 như BNB hay Solana thời điểm đó. Với một phép toán đơn giản rằng nếu x2 ở mức định giá đó thì phải cần thêm 40 tỷ đô bơm mới vào BICO, như vậy khả năng sinh lời là không cao trong khi ngược lại rủi ro lại cực kỳ lớn. Cho nên khi research một dự án như vậy anh em sẽ có kết luận như sau: “Không có khả năng sinh lời!”

Luôn tự hỏi:

  • “Narrative” của dự án là gì? Tại sao đây sẽ là hidden gem tiếp theo?
  • Dòng tiền đến từ đâu? Hành động giá có bền vững?
  • Chúng ta có phải là những người sớm nhất không?

Oke như vậy thì anh em cũng đã hiểu về bản chất của phân tích cơ bản và định hướng tư duy. Bây giờ mình sẽ đi sâu vào hệ thống các tiêu chí đánh giá.

II. TIÊU CHÍ TỔNG QUAN

Tiêu chí tổng quan bao gồm các thông tin mà dự án public hoặc những thông số mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Mình sẽ chia nhỏ tiêu chí tổng quan thành từng mục đánh giá như sau:

  • Website
  • Documentation & Roadmap
  • Team
  • Partners & Investors

1. Website

Tiêu chí này dễ dàng cho chúng ta thấy những nỗ lực hoàn thiện, tính nhất quán và sự chỉn chu của dự án. Ở mức độ tối thiểu thì trang web của một dự án phải đẹp và nhiều thông tin xúc tích.

Nếu ngay từ website mà đã không cho thấy được sự nghiêm túc của team hay nếu tên miền website vừa được đăng ký mới chỉ một vài tháng trước đó thì hãy thận trọng, dự án này có vẻ quá hấp tấp và đây là một điểm trừ lớn.

2. Documentation & Roadmap

Các dự án thường sẽ cung cấp các tài liệu liên quan đến sản phẩm như whitepaper, kênh thông tin chính thức như mirror hay medium, v.v. mà anh em có thể dễ dàng tìm đọc được.

Một dự án nghiêm túc sẽ dành thời gian “tài liệu hóa” sản phẩm của mình và công khai với cộng đồng. Thông tin quan trọng và các thông tin phức tạp (về kỹ thuật chẳng hạn) cần được giải thích ở mức độ mà hầu hết các nhà đầu tư đều có khả năng hiểu được. Một dự án chỉ tìm cách kiếm lợi nhuận nhanh chóng sẽ bỏ qua khía cạnh này nên tài liệu sẽ rất sơ sài.

Roadmap sẽ là tài liệu quan trọng mà chúng ta có thể dùng để đối chiếu các giai đoạn phát triển của dự án. Dự án càng bám sát roadmap thì độ uy tín càng cao, ngược lại nếu anh em thấy thường xuyên bị delay các mốc thời gian thì hãy cẩn trọng.

3. Team

Thực tế thì có rất nhiều dự án đã thành công và được cộng đồng tin tưởng kể cả là đội ngũ phát triển ẩn danh. Có thể kể đến ví dụ như các con shitcoin như SHIB, PEOPLE… Thế nhưng nếu team lộ diện thì vẫn là một điểm cộng thể hiện sự tự tin nhất định của họ. Tất nhiên lộ mặt không có nghĩa là sẽ uy tín nhé anh em.

Nếu lộ mặt anh em có thể xác minh thành viên team thông qua các kênh như linkedin. Từ đó nắm bắt được kinh nghiệm, thành tựu, bằng cấp và các dự án đã thực hiện để có thông tin tham chiếu vào dự án đang research.

Nếu ẩn danh thì kết hợp đánh giá dựa trên các cộng đồng (Discord, Twitter, Telegram) xem:

  • Liệu họ có tương tác với thành viên cộng đồng thường xuyên hay không?
  • Đánh giá cách họ trả lời các câu hỏi có chuyên môn không?
  • Và quan sát khả năng khuấy động cộng đồng? v.v.

—> Tips: Quan sát các dự án có cách vận hành giống nhau (cộng đồng, cách tương tác của team, cách vẽ chart,…) có thể cho anh em nhận định về đội ngũ đứng sau dự án. Ví dụ anh em quan sát hành vi của CZ thì có thể thấy có các điểm đặc trưng, từ đó sẽ tìm ra được dự án mới có dấu hiệu của CZ chống lưng từ sớm chẳng hạn.

4. Partners & Investors

Nhiều anh em có phong cách theo dấu chân quỹ đúng không? Thường thì anh em sẽ nghĩ dự án mà cứ có nhiều VCs xịn đầu tư thì dự án đó ngon. Trên thực tế, đây là một dấu hiệu gây áp lực lớn cho dự án bởi thường các quỹ cũng giống như chúng ta, họ là nhà đầu tư và với vị thế của họ thì không bao giờ thua vì họ mua được giá rất rất rẻ từ sớm.

Thế thì hãy lưu ý mức độ uy tín và hành động của quỹ để chọn dự án đầu tư nhé anh em. Mình có thu thập trên twitter được một bảng phân loại quỹ theo tier, cụ thể các VCs nằm trong vùng xanh lá và xanh dương là các quỹ thường đầu tư dài hạn và không hay “xả” lên đầu anh em. Mình sẽ để link phía dưới comment để anh em nào chưa biết tham khảo.

III. TIÊU CHÍ VỀ TÍNH AN TOÀN

Mức độ rủi ro cũng là một tiêu chí tốt để sàng lọc dự án khi anh em làm research. Để nắm được các yếu tố có thể mang lại rủi ro thì chúng ta có thể chia tiêu chí này thành các mục nhỏ như sau:

  • Kiểm tra Smart Contract
  • Kiểm tra chức năng Smart Contract
  • Khóa thanh khoản & giao dịch bất thường
  • Lỗ hổng thanh khoản
  • Mức độ biến động

1. Smart Contract Audit

Kiểm toán hợp đồng thông minh (Smart Contract Audit) là một quá trình được thực hiện để khám phá các lỗi, vấn đề và các lỗ hổng bảo mật mà trong code của hợp đồng thông minh có thể có. Đoạn này anh em đừng hiểu nhầm là phải soi code nhé, soi code là một quá trình tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi cả chuyên môn nữa.

Thực tế có rất nhiều bên kiểm toán hợp đồng thông minh phổ biến và uy tín như Certik, Hacken, Halborn, Verichain, v.v. họ sẽ làm thay anh em khoản này, chỉ cần xác minh xem dự án có giấy phép từ các đơn vị này không thôi. Ngoài ra, khi kiểm toán hợp đồng thông minh thì dự án cũng cần bỏ ra một số tiền khá lớn cho nên đây cũng là tín hiệu cho thấy team làm dự án nghiêm túc.

Đối với việc kiểm toán hợp đồng thông minh, mình cho rằng không phải chỉ là kiểm tra bảo mật đơn thuần mà nó còn là một công cụ marketing hiệu quả của dự án. Đã có thời điểm cứ chỉ cần nghe dự án được kiểm toán bởi Certik thôi là đa số đã kê luôn một chân vào dự án rồi, anh em thử dò xét lại xem có đúng không?

2. Kiểm tra chức năng Smart Contract

Mặc dù không cần phải soi code của smart contract nhưng mình khuyến khích anh em tìm hiểu cách đọc smart contract cơ bản để kiểm tra một số chức năng được lập trình trong code.

Một số chức năng hợp đồng có lợi cho dự án nhưng rất có thể được các nhà phát triển sử dụng để tiến hành “rug pull” hoặc thực hiện các giao dịch mờ ám có lợi cho họ. Mà trong code của smart contract sẽ có sẵn các chức năng này, anh em có thể mò được một số thứ cần lưu ý mình liệt kê bên dưới (kèm cả tiếng anh nhé, trong lập trình họ dùng tiếng anh nên anh em có thể dựa vào từ khóa này để soi):

  • Chức năng cho phép mint thêm tokens hoặc NFTs mới (Ability to mint new tokens…)
  • Khả năng điều chỉnh thuế (modify tax)
  • Khả năng điều chỉnh giao dịch tối đa (Modify max transaction)
  • Khả năng điều chỉnh lệnh bán tối đa (Modify max sell order)
  • Bao gồm một địa chỉ ví lạ trong mã code
  • Chức năng vô hiệu hóa giao dịch của một ví cụ thể hoặc tất cả mọi người (disable trading…)
  • Địa chỉ ví có quyền sở hữu hợp đồng thông minh
  • ….

Những chức năng có lợi cho team phát triển như cho phép mint thêm token, điều chỉnh phí/thuế, khả năng vô hiệu hóa giao dịch của ví người dùng…. thường sẽ là bất lợi cho chúng ta. Ví dụ một dự án có tổng cung cố định nhưng trong smart contract của nó lại bao gồm tính năng mint thêm token, tức là team thích thì họ mint thêm token rồi xả lên đầu anh em được ngay. Nếu thấy kiểu này thì né vội ra nhé anh em.

Ngoài ra, nếu dự án sử dụng ví multi-sig được thiết lập đúng cách. Có nghĩa là, một nửa hoặc nhiều hơn tổng số khóa (3/5 khóa chẳng hạn) không phải từ team phát triển dự án thì đây có thể là một điểm cộng. Còn về ví multi-sig là gì và cách vận hành của nó như thế nào thì anh em tìm đọc thêm để hiểu nhé.

3. Khóa thanh khoản & giao dịch bất thường

a) Khóa thanh khoản (Liquidity lock)

Hầu hết thanh khoản của một dự án được xử lý bởi một AMM (automated market maker), tỉ lệ khóa thanh khoản càng cao thì khả năng xảy ra “rug pull” càng thấp. Thêm nữa nếu thời gian khóa thanh khoản của một dự án càng lâu thì độ uy tín cũng càng cao hơn vì họ xác định đi lâu dài cùng dự án.

b) Giao dịch bất thường (Malicious Transactions)

Anh em hãy kiểm tra một vài giao dịch trên kênh block scan xem có bất kỳ giao dịch bất thường nào từ ví của developer của dự án đang gửi token đến các địa chỉ ví lạ chưa xác định hay không. Nếu số tiền gửi lớn và địa chỉ ví nhận không thể xác minh, chúng ta có quyền hỏi devs dự án về mục đích của số tiền trong giao dịch đó trên kênh discord chẳng hạn. Hãy xem cách devs họ trả lời có rõ ràng và xác đáng không? Sau đó anh em tự rút ra kết luận.

** Sử dụng etherscan cho mạng ethereum, tương tự với BNB và các mạng khác sẽ có block scan riêng*

4. Lỗ hổng thanh khoản

Anh em check nhanh 10 ví cá nhân hàng đầu không liên quan đến dự án, còn gọi là ví cá voi. Những ví này không được nắm giữ số lượng token vượt quá hai lần tỷ lệ phần trăm của tổng nguồn cung thanh khoản. Tại sao? Bởi vì nếu bọn họ quyết định “xả” token thì rất có thể giá token sẽ sập không phanh dẫn đến làm chết dự án.

5. Mức độ biến động

Thanh khoản của một thị trường có tác động lớn đến mức giá của token. Thanh khoản thấp hơn thường dẫn đến một thị trường biến động hơn và khiến giá thay đổi thất thường; Thanh khoản cao thường tạo ra một thị trường ít biến động hơn, trong đó giá không dao động ở biên độ lớn sẽ là điểm cộng.

Anh em thử liên hệ đến shitcoin xem, tại sao lại kêu là xổ số shitcoin? Là vì shitcoin thanh khoản cực thấp, thế thì khi anh em mua giá sẽ biến động rất mạnh. Nhiều trường hợp mua xong là lỗ luôn 50% do trượt giá rồi. Thế nên khi kiểm tra dự án anh em hãy ngó thêm thanh khoản để đánh giá rủi ro biến động giá luôn nhé.

IV. TIÊU CHÍ VỀ TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG

Ở trong mục này, chúng ta sẽ đánh giá tiềm năng tăng trưởng và khả năng sinh lời của một dự án. Từ đó có được cái nhìn tổng quan về giá trị mà dự án có thể đạt được trong tương lai, và vị thế của chúng ta đang ở đâu? xác định tương lai có thể chốt lời ở đâu? Để đánh giá phần này thì mình sẽ phân nhỏ thành các mục như bên dưới:

  • Giá trị
  • Chất lượng dự án
  • Đối thủ cạnh tranh
  • Tokenomics
  • Cơ chế & tiện ích của token
  • Tiềm năng tăng giá

1. Giá trị

Để tìm ra định giá của một dự án thì cách làm đơn giản nhất đó là anh em phải tìm ra cái vấn đề mà dự án đó đang cố gắng giải quyết. Vấn đề đó có thể trở thành narrative trong tương lai.

Nếu một dự án tạo ra giá trị thì các nhà đầu tư hoặc người dùng sẽ được khuyến khích để hold token dự án cho khoản đầu tư của họ; thực sự dùng token cho các trường hợp sử dụng của nó như trả phí giao dịch, mở khóa dịch vụ nền tảng, chạy node….

2. Chất lượng dự án

Chất lượng tổng quan cũng rất quan trọng trong việc bổ sung giá trị cho dự án. Anh em có thể dựa vào công nghệ, cộng đồng, website, marketing, tính sáng tạo,… để đưa ra kết luận. Thực tế, khi hoàn thiện đánh giá tiêu chí tổng quan thì anh em cũng phần nào xác nhận được về chất lượng của dự án rồi đấy.

3. Đối thủ cạnh tranh

Anh em hãy xác định xem ngách phát triển của dự án có nhiều đối thủ cạnh tranh hay không. Một ngách mà có quá nhiều dự án cạnh tranh nhau thì tiềm năng tăng giá sẽ bị giảm đi do dòng tiền sẽ chỉ tập trung vào một vài dự án có network effect tốt thôi.

Ví dự như DEX trên Ethereum chẳng hạn, hiện tại Uniswap DEX chiếm tới 67.36% volume giao dịch (theo defillama) —> các DEX mới sẽ rất khó để giành miếng bánh ở đây —> tiềm năng tăng giá sẽ thấp.

4. Tokenomics

Tokenomics là một chủ đề lớn và phức tạp nên trong bài viết này mình sẽ chỉ giới thiệu các mục cần chú ý thôi. Đi sâu vào phân tích sẽ cần phải học về nó sâu hơn nhé anh em.

a) Phân bổ (Allocation):

Tokenomics sẽ cho chúng ta biết tổng cung token của dự án sẽ được phân bổ cho các đối tượng như thế nào. Các đối tượng phân bổ ở đây bao gồm: VC, advisors, team, private sales, marketing, liquidity và airdrop.

Thường thì các đối tượng sẽ được chia như dưới đây (nguồn: Binance blogs):

  • Team: Phần này được dùng để trả cho các thành viên chủ chốt, nhân viên, đội ngũ dự án, thường ở mức 10 – 20%. Một vài dự án đổi phần này tương ứng thành 100% quyền sở hữu tổ chức.
  • Community: Thưởng cho các thành viên của cộng đồng thông qua các hoạt động airdrop, retroactive, hoặc các chương trình giới thiệu (referrals), thường chiếm 10 – 20%.
  • Reserve/Foundation/Treasury: Các quỹ dự trữ được dùng để chi trả cho việc mua bán sát nhập, tạo lập thị trường (market making), phí mời cố vấn, dự phòng cho các khoản phát sinh,… nên chiếm khoảng 20 – 30%.
  • Seed/Private/Strategic Sale: Các đợt mở bán huy động vốn để phát triển dự án. IDO/IEO: Thường chỉ chiếm 1 – 2% tổng cung, còn tùy thuộc vào dự định của dự án và yêu cầu của các nền tảng IDO.
  • Marketing: Thông thường chiếm 10% tổng cung.
  • Partnerships/Ecosystem: Được dành ra để khuyến khích các developers và các dự án khác tích hợp sản phẩm, đẩy mạnh quan hệ đối tác, mở rộng hệ sinh thái. Phần này thường chiếm 10-20%.
  • Mining Rewards: Phần thưởng cho việc cung cấp thanh khoản, tạo động lực hold token, giảm áp lực bán và thường chiếm 10%.

b) Lịch trình khoá và lịch trả token (Token vesting schedule):

Lịch trình mở khóa token cũng là một lưu ý quan trọng mà anh em cần chú ý bởi vì như mình đã đề cập thì VC và nhà đầu tư sớm họ có vị thế đẹp và chắc chắn có lời. Áp lực bán sẽ thường diễn ra vào các đợt trả token lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến giá. Nếu nắm được lịch trả token thì anh em đã có thể có một chiến lược đầu tư hợp lý hơn rồi.

Nếu ngày mở khóa của một dự án sắp diễn ra, anh em hãy để ý xem có tin tức tốt để đẩy giá tăng từ đội Dev hay không. Thường họ sẽ ra tin tốt vào giai đoạn sắp trả token để pump giá token lấy thanh khoản từ những người mới, sau đợt trả thì áp lực xả sẽ làm giá giảm xuống. Anh em sẽ không muốn đầu tư vào giai đoạn này để làm kiếp thanh khoản đâu.

Dưới đây là một vài đầu mục mà anh em cần lưu ý (Nguồn: Binance Blogs):

  • Nguồn cung lưu thông ban đầu (Initial circulation): Còn tùy thuộc vào lĩnh vực của dự án, nhưng tốt nhất lượng token lưu thông ban đầu nên được giữ vững ở mức nhỏ hơn hoặc bằng 20%. Lý do là vì khi đó dự án đang ở giai đoạn sơ khai, vốn hóa thị trường nên theo sát các thành tựu mà dự án đạt được để tránh lạm phát cao.
  • Thời gian phân bổ token (Vesting Period): Thời gian khuyến khích là các dự án có thời gian vesting kéo dài đến 5 năm hoặc dài hơn, mục đích để có đủ thời gian để xây dựng cấu trúc token bền chắc, và đây cũng là minh chứng rằng dự án sẽ đi đường dài.
  • Lạm phát (Inflation): Lượng token được gia tăng hàng tháng phải luôn được kiểm soát tốt, chú ý tới lượng token từ các pool khác nhau, và anh em hãy kiểm tra để đảm bảo số lượng token được unlock sẽ đủ cho dự án chi trả cho các loại phí.

c) Nguồn cung (Supply):

  • Cung lưu thông:

Trong mục này anh em cần kiểm tra xem bao nhiêu nguồn cung token đã được mở khóa và đã lưu hành trong cộng đồng. Hãy lưu ý rằng cộng đồng ở đây là những nhà đầu tư nhỏ lẻ (retail investors) chứ không phải tập trung trong ví cá voi đâu đấy.

  • Vốn hóa được pha loãng hoàn toàn (fully diluted valuation):

Nếu mức định giá pha loãng hoàn toàn (fully diluted valuation) lớn hơn 3 lần vốn hóa thị trường đã mở khóa (market cap) thì rất có thể có một áp lực bán lớn chuẩn bị xảy ra. Một điều nữa đó là nguồn cung phát ra thị trường là lạm phát hay giảm phát? Nếu token được bơm ra thị trường quá nhanh thì lạm phát sẽ rất cao, anh em nên chạy khỏe.

Còn không bị lạm phát thì lại phải soi thêm có phần thưởng incentives nào khác như thưởng staking hay không, đây là một cơ chế phát token khác mà anh em ít để ý và nó hoàn toàn có thể gây ra lạm phát.

5. Cơ chế & tiện ích của token

Mục này giải thích tất cả các tiện ích, tính năng và cơ chế để giữ token ra khỏi thị trường lưu thông. Lý thuyết trò chơi (game theory) được áp dụng ở đây. Anh em phải trải nghiệm thật nhiều thì mới đánh giá nó một cách chuẩn xác được. Rất khó!

Nhưng mà hãy cố gắng trả lời các câu hỏi dưới đây:

  • Có ưu đãi gì khi hold token của dự án?
  • Phần thưởng được trả cho việc sử dụng dự án là gì?
  • Có cơ chế hay kế hoạch cho việc giảm phần thưởng phát ra và giảm thiểu áp lực bán hay không?
  • Tiền vào (doanh thu) có đủ để bù đắp tiền ra (tiền marketing) không? Và nó có bền vững không?

Một chỉ số tốt mình sử dụng để đánh giá đó là:

  • Trading volume/Market cap (tính ra tỉ lệ % nhé anh em)

Nếu chỉ số này lớn hơn 10%, thì có nghĩa là token đang tích cực được sử dụng trong hệ sinh thái của dự án và do đó token đó có tiện ích sử dụng.

6. Tiềm năng tăng giá

Trong tiêu chí này mình thường sẽ so sánh dự án đang nghiên cứu với một vài dự án tương tự đã ra mắt trước đó. Từ đó có một cái nhìn tổng quan nhất về mức giá (dựa trên giá và market cap trung bình của các dự án được so sánh) mà dự án chúng ta đang research có thể đạt tới.

Như vậy có thể nhẩm tính xem ở vị thế vào của anh em cho đến khi đạt mức giá kỳ vọng thì chúng ta lời được bao nhiêu. Anh em sẽ thường thấy các dự án làm “moon sheet” ấy, thì cái này tương tự thôi.

V. TIÊU CHÍ VỀ CỘNG ĐỒNG

Cộng đồng là một yếu tố lớn quan trọng khác mà mình muốn đề cập sâu hơn trong bài viết này để anh em có nhiều góc nhìn đánh giá. Mình thường phân nhỏ tiêu chí này thành các mục như sau:

  • Sản phẩm
  • Cộng đồng dự án
  • Chỉ số các kênh truyền thông
  • Sự ủng hộ của KOLs/Influencers
  • Holders

1. Sản phẩm

Chúng ta chỉ đầu tư vào một dự án có sản phẩm đã hoạt động chứ không đầu tư vào dự án hứa suông hay sản phẩm không hoạt động. Anh em hãy xét các giai đoạn dự án, chúng ta thấy rất nhiều những dự án đã có sản phẩm hoạt động hiệu suất tốt trong một khoảng thời gian dài trước khi phát hành token.

Trong khi đó, phần lớn các dự án khác sẽ phát hành theo dạng bán sớm (IDO, ICO…) nhưng sản phẩm còn chưa hoàn thiện hoặc thậm chí còn chưa có. Nếu không thể mua sớm (whitelist, coinlist allocation,…) thì anh em cần cảnh giác, vì cuối cùng dự án phải có sản phẩm vận hành thì token mới có đất sống.

2. Cộng đồng dự án

Theo mình thì một dự án thành công có đến 1/2 công sức của cộng đồng. Một cộng đồng mạnh, đoàn kết sẽ có xu hướng HODL lâu dài hơn, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như lúc này. Có một cộng đồng tích cực cũng thu hút các nhà đầu tư mới dễ dàng hơn.

Các chỉ số tăng giá khác từ một cộng đồng tốt bao gồm một nền văn hóa meme cụ thể cho dự án. Rất nhiều dự án bùng nổ vì các meme mà họ đã thực hiện. Rất có thể narrative của dự án cũng được tạo ra từ meme.

Một ví dụ cho anh em dễ hình dung, đó là đồng $PEOPLE ban đầu được tạo ra bởi ConstitutionDAO với mục tiêu mua lại bản sao hiến pháp Hoa Kỳ. Mặc dù thương vụ mua lại thất bại nhưng do sự hưởng ứng từ cộng đồng mà giá trị của nó tăng ~4000% (nguồn: Cryptorank) và ngay sau đó $PEOPLE đã trở thành một đồng meme coin.

3. Chỉ số các kênh truyền thông

Các kênh truyền thông cũng là một trong những chỉ số cộng đồng mà anh em dễ dàng nắm bắt nhất. Càng nhiều người theo dõi dự án trên Twitter, YouTube, Facebook, Instagram hoặc Tiktok thì dự án càng phổ biến.

Tất nhiên anh em cũng phải biết lọc follow ảo hay trường hợp mua tài khoản sẵn lượng follow lớn. Cách lọc rất đơn giản, chỉ cần quan sát lượng tương tác và số người dùng active thực tế so với tổng số người follow, tỉ lệ active càng cao thì càng uy tín.

Mình thường hay sử dụng một số tools check bot bổ trợ nữa nên anh em có thể tìm thêm cho mình một bộ tools như vậy luôn.

4. Sự ủng hộ của KOLs/Influencers

Anh em có thể quan sát một số KOL/Influencer trong không gian crypto xem họ có ủng hộ dự án hay không. Trên thực tế với những dự án mới vốn hoá nhỏ, sự tham gia của KOL/Influencer rất có thể là yếu tố giúp pump giá đấy. Ví dụ như dự án mà có CZ follow chẳng hạn thì cộng đồng cũng sẽ rất dễ fomo vào rồi.

5. Holders

Cũng giống như KOLs thôi, anh em soi xem càng nhiều holder thì dự án càng phổ biến, truyền thông miệng càng nhiều (shill ấy). Tất nhiên hãy lưu ý là phải ở vị thế đẹp nhé, né mấy dự án mà kiểu đông holder nhưng toàn là “holder bất đắc dĩ” ra. Nhiều holder ở đây là nhiều nhà tầu tư nhỏ lẻ ấy, chứ không nó sẽ bị mâu thuẫn vì thường dự án mới mà nhiều holder cá mập, cá voi thì làm sao mà còn vị thế giá, đúng không?

Check holder thì anh em có thể dùng tools bổ trợ như block scan, Nansen… Dựa vào đường giá để xác định xem trạng thái của họ là holder sớm hay holder bất đắc dĩ. Vị thế tốt là vị thế lúc dự án còn mới, hoặc chưa có sóng pump nhé anh em. Nhớ chỗ này để chọn cho kỹ.

Oke mình sẽ dừng bài viết phần 2 ở đây nhé, có thể còn nhiều tiêu chí mình chưa nhắc tới mà anh em biết thì giúp mình góp ý bổ sung ở bên dưới phần comment. Mình hy vọng bài viết lần này cũng giúp ích cho anh em mới research có thể dễ dàng hơn trong khâu thực hành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *