Hướng dẫn phân tích cơ bản dự án Crypto
37 mins read

Hướng dẫn phân tích cơ bản dự án Crypto

Khi dấn thân vào con đường đầu tư, dù ở bất kỳ thị trường nào hoạt động phân tích cũng là điều không thể thiếu. Phân tích giúp đưa ra nhận định và mang lại niềm tin cho khoản đầu tư của bản thân.

Trong thị trường tài chính truyền thống có hai loại hình phân tích chính là Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật, với cryptocurrency có thêm một hình thức thứ ba là Phân tích on-chain.

• Phân tích cơ bản – Fundamental Analysis: Là hoạt động phân tích các yếu tố cơ bản của dự án và môi trường ngoại cảnh (sản phẩm, đội ngũ, tokenomics, đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh…) để từ đó giúp nhà đầu tư xác định giá trị nội tại của dự án.

• Phân tích kỹ thuật – Technical Analysis: Các nhà phân tích mặc định mọi yếu tố đều phản ánh vào giá, vì vậy loại hình này chủ yếu dựa trên đồ thị và các công cụ kỹ thuật để xác định xu hướng tiếp theo của đường giá.

• Phân tích on-chain: Đây là đặc thù không thể trùng lặp của cryptocurrency với các thị trường tài chính khác. Blockchain giúp minh bạch hóa mọi thứ kể cả dòng luân chuyển token. Vì vậy một loại hình mới ra đời là Phân tích on-chain. Các nhà phân tích dựa vào các chỉ số on-chain để dự đoán hành vi tiếp theo của đường giá.

Mỗi loại hình phân tích đều có những ưu nhược điểm riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu về loại hình đầu tiên là Phân tích cơ bản.

PHÂN TÍCH CƠ BẢN DỰ ÁN CRYPTO LÀ GÌ?

Phân tích cơ bản nói chung và trong lĩnh vực cryptocurrency nói riêng là hoạt động phân tích các yếu tố cơ bản của dự án nhằm mục đích xác định giá trị nội tại và tiềm năng phát triển.

Giá trị nội tại đề cập đến giá trị thực sự của dự án ứng với các yếu tố cơ bản hiện có thay vì giá trị thị trường, nó được sử dụng để xem dự án đang được định giá cao hay thấp.

Các yếu tố cơ bản (hoặc yếu tố nền tảng) bao gồm nhưng không giới hạn: Con người, sản phẩm, công nghệ, nhà đầu tư, mô hình hoạt động, các chỉ số tài chính, giai đoạn phát triển, tokenomics, triết lý kinh doanh, cộng đồng, bối cảnh thị trường, đối thủ cạnh tranh…

Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn từng yếu tố trong các phần phía sau.

ƯU ĐIỂM CỦA PHÂN TÍCH CƠ BẢN

Phân tích cơ bản giúp bạn xác định được giá trị thực tế của dự án cùng tiềm năng phát triển của nó trong bối cảnh thị trường hiện tại. Từ đó cho bạn niềm tin vững chắc để “diamond hand” hoặc bỏ qua dự án. Nếu không hiểu dự án, không biết khoản đầu tư của mình dành cho cái gì thì chỉ cần một FUD nhỏ sẽ khiến bạn bị cuốn vào cơn bán tháo ngay lập tức.

Phân tích cơ bản mang lại cho nhà đầu tư tầm nhìn dài hạn. Vì những yếu tố cơ bản của dự án không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai như đường giá.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHÂN TÍCH CƠ BẢN

Phân tích cơ bản yêu cầu người phân tích cần có nền tảng kiến thức rộng và vững chắc, bao gồm từ kiến thức vĩ mô, vi mô tới công nghệ nếu muốn đưa ra một kết quả đánh giá chính xác.

Vì vậy, không giống như các chỉ số đường giá và chỉ số on-chain với công thức 1+1=2, kết quả của hoạt động phân tích cơ bản bị ảnh hưởng nhiều bởi cá nhân phân tích.

Ngoài ra, trong thị trường crypto những thông tin cơ bản cũng có thể bị hạn chế và không phải lúc nào cũng chính xác. Vì các thông tin mà dự án công bố hầu như chưa được xác thực bởi một tổ chức có thẩm quyền nào.

CÁC BƯỚC PHÂN TÍCH CƠ BẢN DỰ ÁN CRYPTO

Trong mục này chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết từng yếu tố cơ bản cần phân tích của một dự án crypto. Những yếu tố này là những điểm nổi bật cần được đánh giá, ngoài ra bạn cũng có thể phân tích thêm nhiều yếu tố khác.

Về hướng phân tích, các bạn có thể lựa chọn đi từ bên trong ra bên ngoài, hoặc từ ngoài vào trong. Nhưng tốt nhất bạn nên đi từ vĩ mô tới vi mô, như vậy sẽ có cái nhìn từ tổng quát tới chi tiết.

Tình hình vĩ mô (kinh tế, chính trị, xã hội) > Ngành nghề (blockchain & crypto) > Hệ sinh thái > Nhóm chức năng > Dự án.

PHÂN TÍCH YẾU TỐ BÊN TRONG
TẦM NHÌN & ĐỊNH VỊ

Đối với nhiều người đây là một tiêu chí khá lý thuyết, nhưng ở các dự án lớn việc xác định tầm nhìn và định vị thương hiệu là điều hết sức cần thiết để phát triển lâu dài. Nó là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động vận hành trong khoảng thời gian dài nhiều năm.

• Tầm nhìn (Vision) là một hình ảnh tương lai nhiều năm mà dự án mong muốn trở thành. Đó là một tuyên bố về mục tiêu và hướng phát triển trong tương lai.

Bạn có thể tìm thấy thông tin về Sứ mệnh, tầm nhìn của dự án tại Whitepaper hoặc cổng thông tin chính thức của dự án.

Ví dụ: Tầm nhìn của Ethereum là xây dựng một nền tảng blockchain phi tập trung, linh hoạt và mạnh mẽ, cung cấp hạ tầng cho việc xây dựng các ứng dụng phi tập trung. Mục tiêu là tạo ra hệ thống internet phi tập trung, nơi mọi người có thể tương tác, xây dựng, và trao đổi giá trị mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.

• Định vị (Positioning) là cách dự án muốn khách hàng nhìn nhận về họ. Xây dựng định vị là hoạt động xây dựng vị trí của mình trong tâm trí khách hàng mục tiêu, giúp họ phân biệt bản thân dự án với các đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ: Định vị của Solana là một nền tảng blockchain phi tập trung với hiệu suất cao, tốc độ nhanh. Chính vì định vị này mà Solana chấp nhận đánh đổi sự phi tập trung và bảo mật để đổi lấy tốc độ trong bộ ba bất khả thi để từ đó có lợi thế cạnh tranh so với Ethereum trong cuộc chiến Layer 1.

Một bộ định vị tốt chỉ có thể được thiết kế ra bởi đội ngũ tỏ tường công nghệ và am hiểu thị trường. Dự án có bộ định vị tốt sẽ là nền tảng vững chắc cho những bước đi tiếp theo.

ĐỘI NGŨ PHÁT TRIỂN

Đội ngũ phát triển là một yếu tố cực kỳ quan trọng cần phải phải được nghiên cứu cẩn thận. Dự án thành hay bại đều đến từ đội ngũ đứng sau, bởi lẽ họ chính là người xây dựng và thổi hồn cho sản phẩm. Một đội ngũ mạnh mẽ là đội ngũ có đầy đủ thành viên bọc lót tất cả vị trí quan trọng (quản lý, công nghệ, truyền thông, tài chính…), trong đó mỗi cá nhân đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực họ quản lý và cả trong cryptocurrency.

Bạn có thể tìm thấy thông tin về đội ngũ phát triển dự án thông qua các kênh mạng xã hội như LinkedIn, Twitter.

Một số dự án đi theo hướng team ẩn danh thông tin đời thực (chỉ công bố tài khoản mạng xã hội) hoặc ẩn danh hoàn toàn. Dù sao đây cũng là một đặc thù của thị trường cryptocurrency, không ít dự ẩn danh đã có sự phát triển mạnh mẽ như PancakeSwap hay Bitcoin.

Sự thiếu hụt thông tin này là một điểm trừ nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua, hãy kết hợp với những dữ kiện khác để đưa ra quyết định cuối cùng.

NHÀ ĐẦU TƯ & MM

Trong những năm gần đây câu nói “bơi theo cá mập” hay “đi theo quỹ đầu tư lớn” đã trở nên phổ biến trong giới crypto. Bơi theo quỹ lớn là một phương pháp tốt, nhưng nó cũng có những ưu nhược điểm riêng mà bạn cần nắm trước mỗi chuyến đi bơi.

• Thứ nhất, một dự án được rót vốn bởi quỹ đầu tư là đã qua một lớp lưới lọc. Quỹ đầu tư càng “xịn” thì lớp lọc đó càng chất lượng. Vì vậy, bạn có thể yên tâm hơn “phần nào” nếu một dự án có được sự đầu tư từ nhiều quỹ lớn.

Ở chiều ngược lại, bạn cũng cần biết rằng chấp nhận đầu tư vào dự án có quỹ nghĩa là theo một góc độ nào đấy bạn đang trở thành thanh khoản cho quỹ. Giá mà các quỹ đầu tư mua chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều lần so với giá bạn có thể mua. Sở dĩ vậy vì các quỹ không chỉ hỗ trợ dự án về tài chính mà cả là truyền thông, kết nối quan hệ, thương hiệu, cố vấn chiến lược.

Hãy để ý tới vị thế của mình so với các thành phần tham gia khác trong dự án để đưa ra các kỳ vọng lợi nhuận và tính thời điểm phù hợp.

• Thứ hai, không phải quỹ nào cũng “ngon”. Quỹ đầu tư cũng có nhiều dạng, có quỹ đầu tư cam kết đi đường dài, hỗ trợ dự án, nhưng cũng có những quỹ đầu tư chỉ đợi unlock token là xả.

Vẫn biết rằng lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng dù là nhà đầu tư cá nhân hay quỹ, nhưng quỹ đường dài họ chấp nhận chôn vốn để thu hoạch lợi nhuận lớn trong tương lai, còn các quỹ đường ngắn thì chỉ đợi trả token rồi tạo fomo để xả. Vậy nên, bạn cần phải biết quỹ nào đường dài, quỹ nào đường ngắn. Thậm chí biết thế rồi vẫn khó, vì mỗi dự án họ sẽ xác định đầu tư trong một khung thời gian khác nhau, bạn cần nghiên cứu thêm sản phẩm và tokenomics để đánh giá tiếp.

• Thứ ba, không phải càng có nhiều nhà đầu tư càng tốt. Câu thành ngữ “5 người 10 ý” có lẽ là phù hợp nhất để mô tả cho luận điểm này. Càng nhiều bên tham gia sự nhất quán trong vận hành càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, sự “nhiều” ở đây là nhiều về mặt quyền biểu quyết, chứ không phải dạng mấy quỹ góp mặt với một chút ít giá trị đầu tư chủ yếu cho mục đích hợp tác truyền thông.

• Thứ tư, không nên dành hết niềm tin vào quỹ lớn. Alameda Research, FTX Ventures, Three Arrow Capital hẳn không còn xa lạ gì với chúng ta. Đừng dành quá nhiều niềm tin vào một thực thể nào trong thị trường crypto, bởi lẽ những đế chế vững vàng nhất vẫn có thể sụp đổ chỉ sau một đêm.

• Và cuối cùng, không phải lúc nào quỹ đầu tư cũng đúng. Các quỹ vẫn phải phân bổ danh mục đầu tư của họ vào nhiều dự án và nhiều danh mục khác nhau. Không phải bất cứ dự án nào có sự xuất hiện của quỹ lớn đều có sự tăng trưởng tốt.

SẢN PHẨM

Sản phẩm là yếu tố quan trọng tiếp theo bắt buộc phải nghiên cứu. Với tiêu chí này chúng ta cần trả lời được các câu hỏi:

• Dự án đang cố gắng làm cái gì? Sản phẩm giải quyết cho vấn đề gì?

• Vấn đề đó có thực sự cần được giải quyết hay không?

• Vấn đề dự án đang cố gắng giải quyết là xu hướng ngắn, trung hạn hay dài hạn?

• Đã có dự án nào khác tiếp cận vấn đề này chưa? Nếu rồi thì sản phẩm mà dự án cung cấp có gì khác biệt, vượt trội hơn?

• Tiếp tục đi sâu vào sản phẩm bằng cách nghiên cứu mô hình hoạt động để biết cách thức vận hành, các thành phần tham gia sau đó kết hợp với nền tảng công nghệ hiện tại và môi trường kinh doanh để đánh giá tính khả thi của dự án?

Nhìn chung sau quá trình nghiên cứu sản phẩm cần rút ra được: tính thực tiễn, tính ứng dụng, tính khả thi, tính mới và tính xu hướng.

Việc này yêu cầu bạn cần có kiến thức bao quát về cả thị trường và cả công nghệ trong lĩnh vực blockchain, cryptocurrency.

LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN / ROADMAP

Tiêu chí này cho biết dự án là “người nói” hay “người làm”. Nó cũng phản ánh tính linh hoạt/kiên định của những người đứng đầu.

Mặc dù không phải dự án nào cũng có một roadmap chi tiết sẵn đọc, nhưng bạn vẫn có thể tìm hiểu được thông qua những bài cập nhật social, blog hoặc thông qua tài khoản của các nhà sáng lập.

Một dự án có lộ trình phát triển rõ ràng và được liên tục bám sát là tín hiệu tốt, cho thấy đội ngũ đang kiên định với tầm nhìn. Nếu một dự án có lộ trình thay đổi liên tục nhưng tiến độ cập nhật sản phẩm vẫn được bám sát thì đó cũng không hẳn là tín hiệu xấu. Việc thay đổi cho thấy dự án vẫn đang làm và muốn thay đổi để thích nghi với điều kiện thị trường.

Phản biện lại cho 2 luận điểm bên trên, sự kiên định và linh hoạt để thích nghi mà dự án thực hiện cần phải được kiểm tra thêm điều kiện đủ là những sự kiên định hoặc thay đổi đó nhằm mục đích gì, có phù hợp với tình hình thị trường hay không. Nếu dự án cứ cố gắng chạy theo trend mà quên đi giá trị cốt lõi dài hạn thì không nên một chút nào.

MÔ HÌNH KINH TẾ / TOKENOMICS

Ở đây mình muốn sử dụng Mô hình kinh tế thay cho Tokenomics để ám chỉ nghĩa rộng lớn hơn. Trong phần này, bạn cần nắm được cách nền kinh tế nội dự án được vận hành. Các thành phần tham gia, vai trò, quyền lợi, chế tài của mỗi thành phần, sự tương tác giữa các thành phần trong mô hình kinh tế.

Tiếp đó chúng ta mới nghiên cứu tới các đặc điểm của tokenomics như:

  • Phân bổ (token allocation)
  • Công năng sử dụng của Token (token utility)
  • Lịch phát hành (release schedule)
  • Cơ chế giảm phát (deflation mechanism)

Việc khó khăn nhất trong phần này không nằm ở việc bạn tìm được các thông tin về mô hình kinh tế mà là hiểu được ý đồ của người thiết kế nên mô hình kinh tế này.

Tại sao những thành phần này được chi trả phí trong quá trình hoạt động? Tại sao lịch trả token cho từng thành phần lại là sau một năm, hai năm mà không phải là token TGE (Token Generation Event).

Ý đồ thực sự đằng sau chỉ có team dự án mới biết chính xác, nhưng bằng kinh nghiệm và sự theo sát thị trường, bạn vẫn có thể đoán được phần nào ý đồ đằng sau sự thiết kế đó.

CÁC CHỈ SỐ HOẠT ĐỘNG

Đối với các dự án đã đi vào vận hành sẽ có các chỉ số hoạt động thể hiện cho hiệu quả hoạt động. Nếu như ở môi trường truyền thống chúng ta có Báo cáo tài chính, Báo cáo hoạt động kinh doanh và hàng loạt các báo cáo khác thì ở crypto chúng ta có các chỉ số liên quan như:

  • Market Cap và FDV (Fully diluted market cap) thể hiện cho quy mô dự án
  • Volume, Transactions: thể hiện cho sự sôi động của dự án trong thị trường
  • TVL – Total value locked: Tổng giá trị khoá trong các giao thức DeFi thể hiện sự tin tưởng đối với dự án.
  • Fee, Revenue: Đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế
  • Forks: Số lần giao thức được fork thể hiện sự ổn định và hiệu quả của giao thức.
  • Github Commit: Thể hiện mức độ hoạt động của đội ngũ phát triển,

Bạn có thể tìm thấy các thông số này tại các website thống kê như Coinmarketcap, Coingecko, Defillama, mình sẽ để link chi tiết trong phần công cụ bên dưới.

Thông qua những đánh giá này, bạn sẽ nắm được tình trạng hoạt động của dự án. Từ đó có cơ sở để kết hợp các tiêu chí khác cho nhận định cuối cùng.

CỘNG ĐỒNG

Như trong một bài viết khác về phân tích dự án NFT mình đã đề cập, cộng đồng theo một khía cạnh nào đó chính là nguồn khách hàng tiềm năng của dự án. Cộng đồng đông đảo, trung thành nghĩa là nguồn khách hàng tiềm năng dồi dào, hoạt động kinh doanh cũng trở nên hiệu quả hơn. Sản phẩm tốt, backer xịn mà không có khách hàng thì dự án cũng sẽ chết.

Hãy trở thành thành viên và quan sát cách mọi người tương tác với nhau, check xem cộng đồng “real” không, hãy thử FUD dự án xem có được các thành viên lên tiếng bảo vệ không.

Một cộng đồng tốt cần đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, nhưng cũng cần đánh giá linh hoạt dựa trên giai đoạn phát triển của dự án.

CÁC YẾU TỐ KHÁC

Độ chuyên nghiệp của dự án còn được phản ánh qua các ấn phẩm truyền thông (Website, Document, Trang Twitter, Blog…). Thông qua những chi tiết tuy nhỏ này có thể thấy được sự tinh tế, tỉ mỉ của đội ngũ phát triển dành cho đứa con cưng của mình.

Vẫn cần phải nhắc lại về sự linh hoạt, mọi sự nghiên cứu cần đối chiếu với quy mô, năng lực và giai đoạn phát triển của dự án.

Trong phần tiếp theo bên dưới chúng ta sẽ tìm hiểu về các yếu tố bên ngoài.

PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI

Nếu như nghiên cứu các yếu tố bên trong cho chúng ta hiểu về dự án và năng lực đội ngũ thì nghiên cứu các yếu tố bên ngoài giúp chúng ta hiểu được sự phù hợp của dự án trong bối cảnh thị trường.

BỐI CẢNH THỊ TRƯỜNG

Để đánh giá được liệu giải pháp dự án cung cấp có tính thực tiễn, ứng dụng hay tính xu hướng không thì nghiên cứu về bối cảnh thị trường sẽ cho bạn câu trả lời.

Thị trường luôn luôn vận động, đặc biệt với cryptocurrency tốc độ còn nhanh gấp nhiều lần các thị trường khác. Một giải pháp là mới ngày hôm nay nhưng vài tháng sau có thể đã bị thay thế. Bạn cần nắm được toàn bộ cấu trúc thị trường crypto, những mảnh ghép bên trong nó. Xác định được mảnh ghép nào là ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Dự phóng được xu hướng tiếp theo của thị trường “có thể” là những xu hướng nào. Để từ đó rót khoản đầu tư của mình vào đúng chỗ. Ngoài ra bối cảnh thị trường vĩ mô cũng cho bạn biết có nên tiến hành đầu tư trong tình hình kinh tế tại hay không.

Mình đã có một series bài viết chi tiết gồm 4 chủ đề về dự phóng các xu hướng tiếp theo của thị trường cryptocurrency:

  • LSDfi – Nền kinh tế xoay quanh liquid staking token
  • Phần 2: Layer 2 Wars – Cuộc chiến giữa các giải pháp mở rộng và giữa các dự án trong từng giải pháp
  • Phần 3: SocialFi – Liệu có trở thành tương lai của mạng xã hội?
  • Phần 4: Real World Asset (RWA) – The end game of the cryptocurrency market.
HỆ SINH THÁI – NHÓM CHỨC NĂNG

Mục đích của tiêu chí nghiên cứu này để giúp các bạn nắm được ba thứ:

  • Các mảnh ghép trong hệ sinh thái
  • Cơ chế hoạt động và tầm quan trọng của từng nhóm chức năng
  • Các dự án nổi bật trong mỗi nhóm

Để rồi từ đó xác định được vị trí của dự án trong hệ sinh thái, vị trí đó có quan trọng hay không, có nhiều sự cạnh tranh hay không.

ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

Trong phần này bạn cần đi sâu vào từng đối thủ cạnh tranh của dự án để xác định được những điểm khác biệt mà dự án đưa ra có hữu dụng hay không. Liệu có mang lại lợi thế cạnh tranh cho dự án khi đi vào hoạt động hay không. Định vị mà dự án đưa ra có phù hợp hay không?

ĐƯA RA KẾT LUẬN

Sau tất cả những nghiên cứu bên trên và hơn nữa theo cá nhân mỗi người, bạn có thể đưa ra nhận định về sự tiềm năng của dự án, định giá hiện tại của dự án đang cao hơn hay thấp hơn với giá trị thực tế. Hoặc dự phóng giá trị thực tế khi token đó được niêm yết nếu chưa niêm yết.

Cuối cùng kết hợp với những phương pháp phân tích khác để đưa ra chiến lược đầu tư là có, không, ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.

CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ PHÂN TÍCH CƠ BẢN

Danh sách một số công cụ hỗ trợ hoạt động phân tích cơ bản:

  • Tin tức & Research: Coin68, Messari, GoDeFi Substack.
  • Thông tin dự án: Kênh truyền thông của dự án, Crunchbase, LinkedIn.
  • Chỉ số hoạt động: Coinmarketcap, Coingecko, Defillama, Dune, Token Terminal.
KẾT LUẬN

Phân tích cơ bản là công việc cần sự tỉ mỉ, kinh nghiệm và thông tin cập nhật liên tục. Hy vọng qua bài viết này bạn có thể nắm được những kiến thức nền tảng để tiếp tục phát triển bộ quy trình và công cụ riêng cho bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *