5 tư duy cần nắm khi bước chân vào thị trường crypto
20 mins read

5 tư duy cần nắm khi bước chân vào thị trường crypto

Thị trường Crypto là một thị trường tài chính rất mới, và mình tin rằng nó còn nhiều tiềm năng hơn rất nhiều so với những thị trường khác như Chứng khoán, bất động sản. Nhưng trong cái lợi nhuận khủng xx đó, cũng tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro. Nhiều các OG crypto ở Việt Nam thực sự giàu lên nhanh chóng từ thị trường nhưng cũng có rất nhiều người tán gia bại sản.

Đó cũng là bản chất của một thị trường tài chính, khi 95% đám đông người chơi đều sẽ thua lỗ. Chỉ có một phần nhỏ là thực sự kiếm được tiền và giàu một cách bền vững từ thị trường.

Do đó, một người mới toanh hoàn toàn không có một chút mindset đúng hay kiến thức thì sẽ dễ dàng bị thị trường này “thịt” một cách tàn nhẫn. Thị trường luôn công bằng mà, chỉ có những người có kiến thức, và nội lực đủ mạnh mới được quyền nắm tài sản.

Mình không phải là chuyên gia gì trong lĩnh vực này, mình chỉ chia sẻ lại những kinh nghiệm bản thân và vô số những bài học học được trong suốt 2-3 năm đầu tư trong thị trường.

THỊ TRƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ NƠI KIẾM TIỀN DỄ DÀNG VÀ NHANH CHÓNG

“Trò chơi mua bán đầu cơ là một trò chơi hấp dẫn nhất trên thế giới. Nhưng nó không phải là cuộc chơi dành cho những người ngu ngốc, lười suy nghĩ, khống chế cảm xúc kém và những người muốn làm giàu nhanh chóng. Họ sẽ chết trong nghèo khổ.” – Jessie Livermore

Một khi đã tham gia thị trường tài chính rồi, đặc biệt là crypto, anh em hãy bỏ ngay suy nghĩ rằng đây sẽ là nơi chúng ta có thể làm giàu nhanh trong chốc lát mà không cần kiến thức gì. Thị trường chắc chắn sẽ giết chết bạn vì những suy nghĩ đó. Bản chất thị trường tài chính là tiền luân chuyển từ người không kiến thức sang người có kiến thức, ăn tiền của nhau chứ không có giá trị thặng dư. Chỉ có kẻ mạnh mới được nắm tài sản từ người khác, không có ngoại lệ.

Những kẻ đó sẽ lợi dụng lòng tham, tâm lý yếu của đám đông để thu lợi nhuận lớn từ bên mình. Một khi đã dính tới tiền bạc rồi, bản chất con người ai mà chẳng có lòng tham?

Tuy mục đích là kiếm tiền trong thị trường, nhưng không phải ai cũng “Hành động Kiếm tiền” cả. Đã bao giờ anh em tự hỏi, để kiếm tiền trong thị trường này, mình đã chuẩn bị những gì chưa? Mình định bỏ bao nhiêu tiền vào cái này, mình định gom và mua đồng này tới bao giờ, khi nào là cắt lỗ, ai sẽ là người dẫn dắt mình, người đó đã thực sự kiếm được tiền từ thị trường này chưa? Nếu mất số tiền đó thì sao, có ảnh hưởng quá nhiều cuộc sống không?

Mình nghĩ là Không, không có gì cả? Ngoài tiền bạc, và lòng tham ra, chúng ta không có gì cả. Đó là lý do vì sao hơn 95% các nhà đầu tư thất bại trên thị trường. Tuy nhiên, cũng chính vì lòng tham, một số có thể rút khỏi nhưng hầu hết vẫn ráng ở lại, nạp thêm tiền để nhồi thêm với hi vọng gỡ gạc. Nhưng rồi cuối cùng cũng nhận lại cái kết đau đớn.

HIỂU VỊ THẾ CỦA BẢN THÂN

Xác định rõ ràng sẽ là thứ sẽ giúp anh em xác định được rủi ro, và tiềm năng lợi nhuận kiếm được. Cơ bản thị trường tài chính thường sẽ chia 5 cấp bậc chính (mình sẽ đi từ vị thế cao xuống thấp)

  1. Banker: lớp cao nhất (chính phủ), kiểm soát các hoạt động giao dịch, tính phí thuế để thu lợi từ các nhà kinh doanh, đầu tư trên thị trường tài chính.
  2. Nhà tạo lập: bao gồm dự án, sàn, quỹ đầu tư với số tiền lớn, họ tạo lập ra cuộc chơi với nhiều trò game khác nhau, thao túng thị trường. Nên anh em có thấy trong mùa uptrend vừa qua, có rất nhiều trend lớn như DeFi, GameFi, với mục đích để kéo và thu hút người mới tham gia.
  3. KOLs: người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và có cộng đồng riêng tham gia trong thị trường. Đây cũng là lớp quan trọng khi họ có nhiệm vụ giáo dục thị trường, kiến thức, trend để dễ dàng kéo đám đông vào cuộc chơi của các nhà tạo lập. Sẽ có những người thực sự có trình độ, muốn giúp đỡ anh em đi lên hoặc chỉ lùa gà đám đông làm thanh khoản.
  4. Trader: lớp người chơi tham gia thị trường thực sự kiếm được tiền từ những chiến lược đầu tư hợp lý, logic. Họ có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm trải qua trong thị trường cùng tâm lý ổn định. Họ tìm hiểu và đoán được những gì bên nhà tạo lập cuộc chơi muốn hướng tới và lên chiến lược đầu tư sớm nhất có thể
  5. Player: Đây là lớp cuối cùng (95%), cũng là lớp mất tiền vào 4 lớp trên khi họ chỉ “chơi” trong thị trường, chứ không phải giao dịch. Họ vào thị trường với tâm thế mong cầu sự giàu sang nhanh chóng, chứ không hề học hỏi thêm kiến thức. Chỉ khi nào họ trải qua đủ nhiều và có sự đam mê, tích lũy đủ kiến thức, thì mới tiến dần lên lớp thứ 4 – Trader và kiếm được lợi nhuận.

Có một quy luật không đổi là không có cách nào để có vị thế cao ngay từ ban đầu cả. Toàn bộ người mới đều bắt đầu ở vị thế Player, trước khi trở thành Trader -> Kols -> Nhà tạo lập -> Banker. Để trở thành Kols có sức ảnh hưởng và cộng đồng, thì trước tiên họ phải là một trader kì cựu, có kinh nghiệm và kiếm được tiền đã phải không? Vị thế càng lên cao thì rủi ro càng thấp và lợi nhuận sẽ càng lớn.

Bạn thấy mình là ai trong những cấp bậc này? Bạn mong muốn trở thành ai? Việc lên vị thế càng cao sẽ càng đòi hỏi cả quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ trên thị trường này. Không hề có một lối tắt riêng cả!

3 TRỤ CỘT KIẾN THỨC ĐỂ CHIẾN THẮNG

Để có thể sống sót trong thị trường crypto, hay bất kể một thị trường tài chính nào, anh em cần phải nắm rõ được 3 trụ cốt kiến thức sau:

  • Phân tích kĩ thuật: “đường giá phản ánh tất cả mọi thứ”. Trước khi tin tức dự án ra thì đường giá nó đã chạy một đường rồi, do sự thao túng để kiếm lợi nhuận từ những tay lớn. Phân tích kĩ thuật sinh ra để nhận biết được những dấu hiệu đó, từ đó các trader nhỏ lẻ có thể kiếm lời theo sóng của các tổ chức lớn hơn tham gia trong thị trường. Nhìn chart, hiểu được giá đang cao hay thấp, đánh giá cung cầu, xác định được vùng entry tiềm năng, TP, stop loss, để kiếm lời cũng như bảo vệ vốn của mình.
  • Phân tích cơ bản: Thiên về việc phân tích mô hình kinh doanh của dự án đầu tư, đọc hiểu báo cáo tài chính, đặc biệt là cung cầu tương lai của một đồng token thông qua phân tích về tokenomics, lịch unlock token, ứng dụng token, nhu cầu của người dùng so với sản phẩm. Góc nhìn xu hướng đầu tư phát triển trong thị trường sắp tới, trend nào sẽ lên, đâu là những token tiềm năng nhất trong mảng đó.
  • Kinh tế vĩ mô: phân tích nền kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng, tương quan giữa lạm phát và chu kì thị trường tài chính, nắm bắt được những tin tức kinh tế tài chính quan trọng như chỉ số CPI, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ giá… Việc phân tích được vĩ mô sẽ xác định được tâm lý và xu hướng dòng tiền của người tiêu dùng, họ sẽ giữ tiền hơn hay tập trung vào đầu tư tài sản có rủi ro cao hơn.

3 trụ cột kiến thức này là nền tảng quan trọng và bổ trợ cho nhau để anh em có thể sống sót và có thể kiếm được lợi nhuận ổn định. Có thể anh em phân tích cơ bản giỏi, hiểu được dự án này tiềm năng và có thể tăng trưởng trong tương lai, nhưng lại không biết phân tích kĩ thuật để gom được vùng giá tốt. Cuối cùng là anh em all in, bị ôm vốn cùng với tâm lý chán nản khi phải gồng lỗ.

Hiểu được tiềm năng là một chuyện, nhưng quan trọng hơn hiểu được vị thế của mình tại vùng giá đó có mang lại lợi nhuận hay không là một câu chuyện khác.

90% ALTCOIN CŨ SẼ KHÔNG QUAY VỀ LẠI MỨC ATH BAN ĐẦU

Trong mùa uptrend vừa qua, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều các dự án crypto xx hàng trăm lần như CAKE, UNI, SUSHI, ALPHA,… trong đợt trend về DeFi hay những con L1 top cap như ATOM, AVAX, SOL, ADA,… Hầu hết những con token đã pump x rất nhiều lần trong mùa vừa rồi trong những trend lớn rất khó để có thể tăng trưởng trở lại và về ATH. Một số lý do giải thích cho vấn đề này:

  • Hầu hết token trong crypto đều không có giá trị thực tiễn, người ta chỉ sử dụng cho mục đích kiếm tiền (như trend farming DeFi). Lợi nhuận không còn, người ta sẽ chuyển qua dự án mới. Đó là bản chất của các dự án trên thị trường crypto, với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Do đó nó khó duy trì được lâu dài.
  • Mùa mới, cuộc chơi mới, các nhà tạo lập sẽ hướng đến tạo cuộc chơi và đẩy giá cho những dự án vẽ ra những cái mới hơn, thu hút nhiều người dùng hơn. Liệu họ có bận tâm đẩy lại những token cũ trở về ATH nơi có nhiều nhà đầu tư khác đang đu đỉnh không? Nếu chúng không thực sự đóng vai trò quan trọng trên thị trường này (như BTC, ETH)

Do đó, để đầu tư mang lại lợi nhuận cao, hãy chú ý đến những dự án mới, những trend mới nổi gần đây và tìm hiểu liệu chúng có thực sự bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai? Đó là những token mà các nhà tạo lập có thể cần phải đẩy giá để kiếm được lợi nhuận.

CHÚ TRỌNG VẤN ĐỀ BẢO MẬT

Mình đã từng mất trắng một khoản tiền lớn chỉ trong vài phút khi làm airdrop nhưng không cẩn thận và để lộ key của mình. Crypto là một thị trường tài chính còn rất non trẻ với chỉ khoảng 5% dân số thế giới đang tích cực sử dụng mạng lưới. DeFi vẫn đang là mảng tập trung phát triển lớn nhất nhưng vẫn vướng nhiều tranh cãi về vấn đề bảo mật (Năm 2021 đã có hơn 14 tỷ đô bị scam từ người dùng thông qua DeFi).

Qua đó là 5 điều chính mà những anh em mới khi bước vào thị trường crypto này cần phải chú trọng. Thị trường crypto là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng lợi nhuận cho mùa tới, nhưng việc giàu lên từ thị trường không dành cho những kẻ lười biếng và ham giàu nhanh.

Hãy xác định được mục tiêu kiếm tiền trong thị trường, lên kĩ càng chiến lược, trau dồi kiến thức, trải nghiệm hằng ngày và hiểu rõ được vị thế của bản thân trong cuộc chơi. Với lòng kiên trì, mình tin rằng anh em sẽ có thể làm được và thành công trong thị trường khốc liệt này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *